Chia sẻ tại Hội thảo “Gỡ vướng địa ốc - Thúc đẩy tăng trưởng” diễn ra sáng 19/4, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - Tiền tệ quốc gia đánh giá, vấn đề của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay không còn là vướng mắc mà nó đang ngày càng trở thành ngòi nổ của khủng hoảng kinh tế. Mỗi khi thị trường lao dốc như thời gian vừa qua sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Vị này phân tích, bất động sản là một ngành quan trọng và có độ lan tỏa rất cao. Thống kê các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ trước đến nay chỉ bắt nguồn từ ba nguyên nhân, một là tỷ giá hối đoái, hai là bất động sản và ba là sự kết hợp của cả hai nguyên nhân này. Tuy nhiên, phần lớn các cuộc khủng hoảng trong vòng 10 - 15 năm trở lại đây đều bắt nguồn từ bất động sản.
Ông Nghĩa cho rằng, đối với vấn đề đang tồn tại của thị trường bất động sản Việt nam thì phải vừa tìm cách phục hồi, vừa ngăn chặn rủi ro lan sang hệ thống tài chính ngân hàng. Bởi nếu khủng hoảng xảy ra, người gửi tiền sẽ “xuống đường”.
“Tôi là những người trong cuộc và biết rõ chúng ta đang rất khổ sở để xử lý vấn đề của ngân hàng SCB và câu hỏi đặt ra là chưa biết sẽ tới đâu. Huống hồ nếu thêm vài trường hợp tương tự như vậy xảy ra thì mức độ nguy hiểm sẽ thế nào?
Có một vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã nghỉ hưu mới đây gọi điện thoại cho tôi nói về những khó khăn hiện nay và đưa ra một câu kết luận: Rồi cũng sẽ qua thôi nhưng cái giá phải trả là 5 – 7 năm tăng trưởng. Đây là một người có rất nhiều kinh nghiệm liên quan đến các cuộc khủng hoảng.
Do đó, theo tôi, chúng ta phải tranh thủ thời gian và phải làm thật nhanh. Tôi muốn nói với các nhà hoạch định chính sách rằng, vấn đề hiện nay không chỉ là vướng mắc mà có thể là một vực thẳm”, chuyên gia nhấn mạnh.
Liên quan đến cấu trúc vốn của doanh nghiệp bất động sản, ông Nghĩa cho rằng, những doanh nghiệp đang điêu đứng hiện nay đều không sở hữu ngân hàng. Ngược lại, những tập đoàn đang sở hữu ngân hàng thì tương đối ổn. Vì họ có ngân hàng trong tay, họ có thể tái cấu trúc lại nợ xấu, có thể đảo nợ và không bị chuyển nhóm nợ,… Do đó, hiện nay phải tập trung tháo gỡ cho những doanh nghiệp không có sở hữu ngân hàng.
Một đối tượng nữa cần phải chú ý, theo vị này đó là những nhà đầu tư đang vay tiền của ngân hàng. Bởi hiện nay giá cả tài sản thế chấp giảm xuống mức rất thấp, nợ ngân hàng rất lớn. Và tất nhiên khi rủi ro xảy ra thì cả họ và ngân hàng đều phải gánh chịu.
“Cuối cùng toàn bộ những tác động của thị trường bất động sản xấu hay tốt đều đánh thẳng vào chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng. Do đó, những khó khăn của bất động sản hiện nay không chỉ phải giải quyết về vốn mà còn là pháp lý và cao hơn nữa là chống khủng hoảng. Mọi thứ chưa tới bờ vực nhưng phải hành động thật nhanh, nếu không sẽ phanh không kịp”, vị này nhấn mạnh.