Ngày 10/3, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) đã ra quyết định chấm dứt hoạt động của Silicon Valley Bank (SVB) ngay trong phiên giao dịch 10/3 do khách hàng ồ ạt rút tiền khiến cổ phiếu SVB mất giá 60% hai phiên liên tiếp và bị buộc rơi vào trạng thái chấm dứt giao dịch.
Trao đổi với người viết, TS. Cấn Văn Lực,Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, việc SVB sụp đổ có gây ra tác động đối với thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam nhưng không nhiều.
Fed khó tăng lãi suất sau vụ SVB và Signature Bank
SVB hiện đang có hoạt động tại Anh, Đức, Đan Mạch, Israel, Trung Quốc, song theo chuyên gia việc đóng cửa của ngân hàng này sẽ có thể sẽ khó gây ra hậu quả lan truyền trên thị trường tài chính khi đã được can thiệp sớm từ FDIC và SVB là ngân hàng đặc thù, với nhóm khách hàng ngách.
Với tác động trực tiếp, chỉ số chứng khoán toàn cầu đã và đang giảm nhẹ, còn biến động trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn việc huy động vốn của các công ty công nghệ, startups toàn cầu sẽ khó khăn hơn và bị đánh giá rủi ro hơn, nên có thể sẽ phải trả lãi suất cao hơn.
Với tác động gián tiếp, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, sự cố SVB có thể sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) xem xét và điều chỉnh nhẹ kế hoạch điều hành lãi suất thời gian tới. Điều này sẽ tác động tới chính sách tỷ giá, tiền tệ của Việt Nam.
Chia sẻ cụ thể về vấn đề này, TS. Lực cho hay, sau vụ sụp đổ của SVB, nhiều khả năng Fed sẽ phải điều chỉnh kế hoạch tăng lãi suất theo hướng tăng ít hơn và có thể dừng lại trong quý II/2023.
Nguyên nhân là do thị trường tài chính đang bị xáo trộn, SVB phá sản đã làm rúng động nước Mỹ và thị trường tài chính toàn cầu. Các thị trường chứng khoán lao dốc, giá vàng tăng và ngân hàng trung ương nhiều nước phải trấn an dư luận.
Do đó, việc Fed tăng mạnh lãi suất trong bối cảnh này sẽ khiến thị trường tài chính hứng chịu thêm một cú sốc mới. Vì vậy, nhiều khả năng Fed sẽ giảm bớt mức tăng trong các lần tăng lãi suất tiếp theo dù trước đó Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell đã có những tuyên bố cứng rắn về tăng mạnh lãi suất để để kiểm soát lạm phát.
Giới chuyên gia quốc tế cũng nhận định, Fed có thể sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 3 thay vì tăng 25 điểm cơ bản như nhận định trước đó.
Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể không tăng lãi suất sau hai vụ sụp đổ ngân hàng vừa xảy ra vào cuối tuần qua của Silicon Valley Bank và Signature Bank.
Goldman Sachs đã từ bỏ dự báo Fed nâng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 22/3 tới và cho rằng sẽ không có đợt nâng nào. Trước đó, Goldman Sachs dự báo Fed sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 4,75-5%/năm trong cuộc họp trong tháng 3/2023.
Bốn nguyên nhân khiến SVB phá sản
Tập trung vào những nguyên nhân khiến SVB phá sản, theo TS. Lực ngoài rủi ro từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, sự sụp đổ của SVB còn xuất phát từ mô hình hoạt động và sự thiếu bền vững. Bốn nguyên nhân khiến ngân hàng này phải đóng cửa, theo chuyên gia là:
Một là, mô hình hoạt động có vấn đề, SVB tập trung quá nhiều vào một số ít lĩnh vực, đó là công nghệ, đổi mới sáng tạo, dịch vụ sức khỏe trong khi đây là những lĩnh vực rủi ro, có nhiều biến động nhanh khi nền kinh tế có sự điều chỉnh, suy giảm tăng trưởng từ đầu 2022 đến nay.
Hai là, hoạt động thiếu tính bền vững. Chức năng chính của một ngân hàng thương mại là huy động vốn, phần lớn là từ tiền gửi dân cư, thường chiếm khoảng 60-65%, còn lại là tiền gửi tổ chức, doanh nghiệp để cho vay hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề.
Trong khi đó, SVB chủ yếu nhận tiền gửi từ doanh nghiệp công nghệ, từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Những nguồn vốn này không ổn định, nên khi cần, các doanh nghiệp, quỹ đầu tư rút ra để thanh toán nghĩa vụ đáo hạn.
Lượng tiền gửi này thường ít được mua bảo hiểm tiền gửi (do đa số là của tổ chức, không phải của cá nhân), và khi được bồi thường cũng khá khiêm tốn (tối đa 250.000 USD theo luật hiện hành của Mỹ) so với lượng tiền gửi của mỗi khách hàng (lên đến hàng triệu USD). Đây cũng là lý do chỉ khoảng 13% lượng tiền gửi của ngân hàng này là có bảo hiểm.
Ba là, khả năng phân tích, dự báo và quản lý rủi ro có vấn đề. Nguồn gốc sự kiện phá sản của SVB được nhìn nhận là do hoạt động kinh doanh, chủ yếu là kinh doanh trái phiếu, thua lỗ.
Theo đó, trong năm 2020-2022, với lượng tiền gửi của khách hàng tăng mạnh, SVB đã mang đi đầu tư trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu được thế chấp bằng các khoản vay mua nhà với hy vọng lãi suất còn ở mức thấp lâu dài.
Tuy nhiên, với việc Fed tăng lãi suất nhanh để đối phó với lạm phát từ đầu 2022, giá trị những khoản đầu tư này giảm mạnh, bị chiết khấu nhiều hơn và gây thua lỗ. Theo báo cáo thường niên cuối 2022, SVB đang nắm giữ hơn 90 tỷ USD trái phiếu, tuy không phải định giá lại thường niên nhưng theo ước tính thì giá trị chỉ còn khoảng 76 tỷ USD và khoản lỗ chưa ghi nhận là 15 tỷ USD.
Việc dùng nhiều vốn ngắn hạn (từ tiền gửi của khách hàng) để đầu tư dài hạn cũng cho thấy rủi ro chênh lệch kỳ hạn, rủi ro thanh khoản lớn như thế nào.
Đồng thời, việc lãi suất tăng nhanh khiến dòng tiền đầu tư vào các công ty công nghệ và startups giảm dần, khiến họ phải sử dụng tiền gửi tại SVB để trang trải chi phí gia tăng. SVB buộc phải bán các trái phiếu này để có tiền chi trả, nhưng càng bán, càng lỗ, phải lên phương án phát hành thêm cổ phiếu để bù đắp. Nhu cầu huy động vốn cổ phiếu tăng bất thường gây lo ngại cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, các doanh nghiệp gửi tiền, và họ đã đồng loạt rút tiền.
Bốn là, khâu truyền thông và xử lý rủi ro thanh khoản không tốt, dẫn đến không những không thuyết phục được khách hàng giữ lại tiền mà còn gây thêm bất an, khiến họ càng rút tiền nhanh, còn nhà đầu tư thì xả bán cổ phiếu, khiến giá cổ phiếu tụt không phanh. Ngoài ra, việc một số quỹ đầu tư lớn khuyến nghị khách rút tiền và Tổ chức định hạng tín nhiệm Moody’s hạ tín nhiệm SVB cũng đổ dầu vào lửa.
Từ các nguyên nhân trên, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra bài học dành cho các tổ chức tài chính, ngân hàng là phải quan tâm đến cả hai vế trong hoạt động: Tăng trưởng trong tầm kiểm soát, đa dạng hóa và quản lý các loại rủi ro chính và phát triển bền vững.
Vụ việc trên cũng một phần xuất phát từ hiệu ứng tâm lý đám đông, vì vậy các tổ chức tài chính cần minh bạch thông tin, kỷ luật thị trường song song với việc nâng cao hiểu biết của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, năng lực và hiệu quả của các cơ quan giám sát của các cơ quan quản lý cũng rất quan trọng, cần quan tâm đến rủi ro hệ thống, rủi ro liên thông giữa các thị trường tài chính như: Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và nền kinh tế thực. Cần có sẵn cơ chế xử lý khủng hoảng để có thể phản ứng nhanh, trong đó, các cơ quan thanh tra - giám sát cần độc lập hơn, vai trò bảo hiểm tiền gửi cũng cần rõ nét hơn.