Hai ngày sau khiNgân hàng Nhà nước (NHNN) nới biên độ tỷ giá lên +/- 5%, tỷ giá trung tâm được nâng lên ở mức 23.663 VND/USD, tăng thêm 26 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.480 - 24.846 VND/USD.
Bình luận về động thái mới nhất của NHNN trong điều hành tỷ giá, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, nhìn nhận chính sách này cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Bối cảnh sức ép tỷ giá rất lớn khi mà đồng USD đã tăng tương đối cao mà biên độ cũ 3% thì cũng đã tăng tương đối kịch trần. Đặc biệt, sắp tới Fed có thể sẽ tăng lãi suất thêm hai lần nữa từ nay đến cuối năm thì việc nới biên độ này cũng là để lường trước cả chuyện đó, TS. Lực cho biết.
Với động thái tăng lãi suất thêm 1% vào tháng 9, cộng thêm việc tiếp tục can thiệp bán ngoại tệ và nới biên độ để cho trượt tỷ giá đã đủ sức hấp thụ việc Fed tăng lãi suất trong tháng 11, 12.
Theo phân tích của chuyên gia Cấn Văn Lực, cung cầu ngoại tệ hiện nay vẫn rất ổn định nhưng việc đồng USD tăng giá rất mạnh từ việc Fed tăng lãi suất gây áp lực lớn cho tỷ giá ở giai đoạn từ nay đến cuối năm không riêng gì với VND mà còn với các loại ngoại tệ so với USD.
Do đó, sắp tới khi Fed tiếp tục tăng lãi suất, tỷ giá của Việt Nam cũng sẽ biến động theo, để kìm mức độ mất giá của VND thì có thể dùng dự trữ ngoại hối hoặc tăng lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất cũng đã được tăng trong tháng 9 và dự trữ ngoại hối hiện đã chạm ngưỡng an toàn là 3 tuần nhập khẩu.
TS. Lực chỉ ra rằng trong bối cảnh hiện nay tăng lãi suất cũng không phải là một giải pháp hữu hiệu để chống lạm phát bởi lạm phát hiện chủ yếu vẫn do chi phí đẩy. Bên cạnh đó, Chính phủ có chủ trương giữ mức lãi suất tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp.
Vì vậy, NHNN nới biên độ thêm 2% là cần thiết để làm bớt áp lực tăng lãi suất, dù chắc chắn sẽ tạo áp lực trượt giá VND, song so với thế giới và khu vực mức này chấp nhận được và vẫn trong tầm kiểm soát, TS. Lực nhìn nhận.
Nới biên độ tỷ giá không gây tác động quá lớn
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, việc nới biên độ này sẽ khiến tỷ giá tiếp tục biến động mạnh, giá trị VND sắp tới có thể phải chịu áp lực mất giá thêm nhưng những tác động của việc này là không nhiều.
Tác động đầu tiên cần cân nhắc khi để đồng tiền trượt giá là tác động đến lạm phát, theo TS. Lực việc nới biên độ tỷ giá đồng nghĩa với việc để VND mất giá sẽ tác động một phần đến lạm phát nhưng không nhiều.
Bên cạnh đó, việc trượt giá của đồng Việt Nam chắc chắn sẽ tác động một phần đến thanh toán xuất, nhập khẩu nhưng cũng không quá lớn bởi kim ngạch xuất khẩu của nước ta hiện nay vẫn chủ yếu là khối FDI. Khối này đang chiếm tỷ trọng xuất khẩu khoảng 72% đến 73% và tỷ trọng nhập khẩu tương đối lớn khoảng 56%.
Khi đồng Việt Nam trượt giá, xuất khẩu được hưởng lợi nhưng nhập khẩu lại gặp bất lợi mà cơ cấu của nền kinh tế nước ta khối FDI vừa chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn, vừa nhập khẩu nên tác động không quá rõ rệt.
Còn đối với nghĩa vụ trả nợ nước ngoài, có đồng tiền tăng nhưng cũng có đồng tiền giảm nên thậm chí Bộ Tài chính sau khi tính toán thấy rằng, Việt Nam thậm chí còn tiết kiệm được 57.000 tỷ đồng vì trong cơ cấu nợ công, đồng USD chỉ chiếm 13,5%.
Trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, TS. Lực dự báo tỷ giá sẽ còn tiếp tục tăng nhưng về cơ bản vẫn ở trong tầm kiểm soát và chấp nhận được. Việc nới biên độ của Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo cho các tổ chức tín dụng mua/bán ngoại tệ trong biên độ đó.
Với lãi suất, việc nới biên độ tỷ giá của NHNN cũng làm giảm áp lực tăng lãi suất, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay nhưng không quá nhiều, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhìn nhận.