PowerChina, nhà xây dựng đập thủy điện lớn nhất Trung Quốc, cho biết họ sẽ sớm bắt đầu xây dựng các nhà máy thủy điện với tổng công suất lên tới 270 GW. Đây sẽ là sự bổ sung đáng kể cho năng lượng tái tạo của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Cụ thể, Ding Yanzhang, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Điện Trung Quốc (PowerChina), cho biết 200 nhà máy thủy điện với tổng công suất 270 GW sẽ được khởi công vào năm 2025. Con số này lớn hơn tất cả các nhà máy điện ở Nhật Bản cộng lại và đáp ứng được 23% nhu cầu sử dụng điện của Trung Quốc trong thời gian cao điểm.
Để so sánh, công suất phát điện của các nhà máy ở đập Tam Hiệp chỉ là 22.500 MG, tức là 22,5 GW. Ngoài ra, con số này cũng vượt xa kế hoạch 5 năm lần thứ 15 của Trung Quốc được đưa ra 3 tháng trước. Trong bản kế hoạch, Trung Quốc muốn phát triển 62 GW thủy điện đang hoạt động và 60 GW khác được xây dựng vào năm 2025.
Thủy điện có từ hơn một thế kỷ trước. Theo đó, nước được trữ trên một hồ chứa độ dốc cao khi nhu cầu điện thấp. Lượng nước này sẽ được xả ra từ trên dốc xuống, làm quay các tuabin từ đó tạo ra điện. Kết hợp thủy điện với năng lượng mặt trời, Trung Quốc sẽ có nguồn năng lượng lớn. Bên cạnh đó, thủy điện còn được cho sẽ giúp điều tiết nguồn nước, ngăn chặn lũ lụt.
Là một nước nông nghiệp với lịch sử hàng nghìn năm, hầu hết các cộng đồng dân cư của Trung Quốc phát triển cạnh các dòng sông. Đó cũng chính là lý do khiến trị thủy luôn là nỗi ám ảnh của nước này. Việc kiểm soát được nguồn nước sẽ đảm bảo cho mùa màng cùng hạn chế tới mức tối thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai.
Ngay từ 4.000 năm trước, các tài liệu đã ghi chép về nỗ lực trị thủy của Trung Quốc. Theo đó, Hạ Vũ, một vị vua thời cổ đại, đã trở thành huyền thoại của dân tộc Trung Hoa khi nỗ lực đắp đê, xây đập và đào kênh để kiểm soát nguồn nước. Đó là khát khao xuyên suốt nghìn đời cho tới ngày nay.
Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc nổi lên như một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Cùng với đó là những tiến bộ vượt bậc về khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Đây cũng là thế mạnh để Trung Quốc có thể theo đuổi những dự án trị thủy quy mô chưa từng có, vượt xa sự tưởng tượng của rất nhiều người.
Những thập kỷ qua và cả thập kỷ tới có lẽ vẫn là kỷ nguyên của thủy điện ở Trung Quốc. Cùng với các mục tiêu giảm phát thải, Trung Quốc đang đẩy mạnh các nguồn điện "sạch" nhằm đáp ứng nhu cầu "thèm điện" của nền kinh tế được mô tả là công xưởng của thế giới. Sự kết hợp giữa thủy điện và điện mặt trời có lẽ đang là điểm sáng khi diện tích mặt hồ thủy điện được sử dụng để phát triển các nhà máy điện mặt trời nổi.
Không quá khi nói rằng thủy điện chính là một mũi tên trúng nhiều đích mà Trung Quốc bắn ra. Tuy nhiên, đằng sau những công trình trị thủy ngày càng khổng lồ không chỉ là lợi ích. Thủy điện không phải bữa trưa hoàn toàn miễn phí với người Trung Quốc mà đằng sau chúng là những hệ lụy tiềm ẩn, thậm chí là thảm họa, nếu không được kiểm soát tốt.
Khoảng 2 năm trước, thế giới dồn mọi sự chú ý về đập Tam Hiệp của Trung Quốc khi lượng nước đổ về hồ chứa đạt mức kỷ lục sau một mùa mưa lũ được mô tả là chưa từng có suốt nhiều thập niên. Với chi phí 25 tỷ USD, người Trung Quốc từng tin rằng đập Tam Hiệp sẽ là công trình trường tồn như Vạn Lý Trường Thành. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 10 năm hoạt động, họ đã phải cay đắng thừa nhận khả năng của nó là có giới hạn.
Trong khi đó, đập thủy điện đã không còn là giải pháp hoàn toàn thân thiện với môi trường. Sau hơn 1 thế kỷ phát triển, người ta nhận thấy nhiều hệ lụy mà các đập nước này mang lại. Một trong số đó là tác động nặng nề tới đời sống động, thực vật trên các dòng sông. Các đập nước cũng khiến phù sa bồi lắng trong lòng hồ, khiến đất đai dưới hạ nguồn kém tươi tốt đi rất nhiều.
Lấy ví dụ về đập Tam Hiệp, với chiều dài 2.335m, cao 185m, đập nước đã làm ngập một diện tích khổng lồ. Thống kê cho thấy khoảng 1 triệu người đã phải di dời để nhường chỗ cho lòng hồ chứa của đập. Họ buộc phải di chuyển tới những nơi ít màu mỡ hơn so với các khu vực ven sông Dương Tử trước đây.
Ngoài ra, có những sự cố vỡ đập đã đi vào lịch sử vì mức độ thảm khốc. Tháng 8/1975, sự cố với đập Bản Kiều trên dòng Như giang, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã tạo ra một sự tàn phá thảm khốc. Những con sóng cao nhiều mét, trải rộng tới 12km, cuốn bay mọi thứ trên đường nó đi qua. Không có số liệu chính thức nhưng người ta ước tính hàng chục nghìn, thậm chí lên tới 250.000 người, chết trong thảm họa này.
Hiện tại, người ta nhận ra rằng thủy điện không phải những bữa trưa miễn phí. Ở nhiều nước châu Âu, hình thức này đã không còn được ưa chuộng. Thậm chí, nhiều đập thủy điện bị phá bỏ để trả lại môi trường sống cho các loài động, thực vật. Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn nhận ra nhiều lợi ích của thủy điện hơn mức thiệt hại mà chúng gây ra.
Nguồn: Tổng hợp