Dễ dàng đạt mục tiêu hút 8 triệu khách quốc tế hơn
Năm 2019 - thời điểm trước dịch COVID-19, Việt Nam đón tới 5,6 triệu du khách Trung Quốc, chiếm 1/3 tổng số khách du lịch quốc tế.
Không chỉ là quan trọng với Việt Nam, trước dịch, đất nước tỷ dân này cũng mang lượng khách lớn nhất thế giới khi hơn 170 triệu chuyến đi và đóng góp 253 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu thị trường du lịch quốc tế Trung Quốc, năm 2023 sẽ có 110 triệu chuyến đi nước ngoài, đạt 2/3 so với năm 2019.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Công Năng - Tổng Giám đốc Wondertour - cho rằng, Trung Quốc mở cửa du lịch cho phép tổ chức tour đoàn tới Việt Nam là “tin vô cùng đáng mừng dành cho ngành du lịch” trong bối cảnh tất cả đang nỗ lực cho mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế năm nay.
“Tại một nước 1,5 tỷ dân như Trung Quốc, với gần 6 triệu khách du lịch vào Việt Nam giai đoạn trước dịch thì viễn cảnh Việt Nam đón lượng khách ồ ạt đến từ quốc gia láng giềng này không phải không có cơ sở”, ông Năng bình luận.
Dù cơ hội rất lớn nhưng theo ông Năng để hút được khách Trung Quốc các cơ quan quản lý du lịch, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam cần có "đối sách" dành riêng và chương trình tiếp thị hiệu quả đến quốc gia này.
“Ngoài các vấn đề về visa, hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, hơn hết cần tạo ra các chương trình du lịch đặc sắc, hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu của khách Trung Quốc giai đoạn hậu COVID-19”, ông Năng góp ý.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng, những chương trình tour chuyên đề như du lịch đầu tư, du lịch lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch thăm thân sẽ được khách Trung Quốc quan tâm thời gian này. Bên cạnh đó, những tour truyền thống ưa thích của khách Trung Quốc như TPHCM, Hà Nội, Nha Trang/Cam Ranh, Hạ Long, Sa Pa, Đà Nẵng, Hội An, Bình Thuận/Mũi Né, Phú Quốc... cần có các chương trình kích cầu dành riêng để thu hút khách Trung Quốc.
Ông Năng cũng tính toán, nếu tập trung quảng bá với hai thị trường rất đông dân là Ấn Độ và Trung Quốc (tổng dân số 2,8 tỷ người) thì chỉ cần hiệu quả với 0,3% là “đủ mục tiêu”.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Đánh giá Trung Quốc là nguồn khách không thể thay thế, ông Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) - ví động thái mới này như một cái “mỏ” khổng lồ đã được mở. Việc tận dụng được cơ hội sẽ cũng không ít khó khăn nhưng phải cố gắng.
Ông Nam cho biết, năm 2019, Việt Nam từng đón 5,6 triệu du khách Trung Quốc, chiếm 1/3 tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Số khách này đã mang lại doanh thu hơn 5 tỷ USD cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, chưa tính doanh thu vé máy bay, lệ phí sân bay, bán hàng cho khách du lịch Trung Quốc.
Vị chuyên gia cũng quy đổi doanh thu du lịch từ thị trường Trung Quốc bằng hơn 1/2 xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc. Trong khi đó, vì đại dịch, Việt Nam mất hàng tỷ USD doanh thu du lịch từ thị trường này.
Một giám đốc doanh nghiệp du lịch khác ở Khánh Hoà chia sẻ, sắp tới cũng sẽ đoàn khách khách Trung Quốc bay tới Việt Nam, tham quan du lịch một số địa điểm truyền thống. Sau bao nhiêu lâu chờ đón, việc chính thức được đón khách đoàn thực sự là “tin vui” với doanh nghiệp.
Trước đó, việc khách Trung Quốc chưa sang khiến một số điểm du lịch cũng phần nào “lèo tèo”, thiếu nhộn nhịp, ảnh hưởng tâm lý và chi tiêu của các đoàn khách khác và thị trường chung. Thực tế nhiều nơi, chỉ đến khi có khách Trung Quốc, hàng loạt khách sạn lớn nhỏ mới bắt tân trang lại để đón lượng "khách ruột".
“Hiện các doanh nghiệp cũng đang chờ các thông tin chính thức tiếp theo từ nhà chức trách Trung Quốc để triển khai kế hoạch đón khách”, vị lãnh đạo doanh nghiệp nói.
Ngoài niềm vui, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cũng không khỏi lo ngại bởi nhiều quốc gia cạnh tranh rất mạnh với Việt Nam về du lịch như Thái Lan, Malaysia, Singapore đã đón khách đoàn Trung Quốc trước Việt Nam hơn 1 tháng. Không thể phủ nhận, việc Việt Nam vừa mới được đưa vào thí điểm đợt hai sẽ “vấp” cạnh tranh không hề nhỏ.