Tài chính

Trung Quốc lên kế hoạch ‘không tưởng’: Dùng tên lửa ‘nặng đô’ hơn đồ của NASA để xây ‘Đập Tam Hiệp’ trong không gian, thu nguồn năng lượng vô tận từ nơi cách trái đất 3,6 vạn km

Các nhà máy điện mặt trời trên không gian thu năng lượng từ mặt trời trên quỹ đạo trái đất và truyền xuống mặt đất, cung cấp năng lượng liên tục. Trên phạm vi quốc tế, quá trình này được gọi là “Dự án Manhattan” của ngành năng lượng.

Các trạm năng lượng mặt trời trên không gian có thể thu năng lượng mà không bị ảnh hưởng bởi mùa hoặc chu kỳ ngày-đêm. Ngoài ra, mật độ năng lượng trong không gian cũng cao hơn khoảng 10 lần so với mức trung bình trên bề mặt Trái đất.

Ông Long Lehao, nhà khoa học tên lửa và là thành viên của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc (CAE) cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện dự án này. Nó có ý nghĩa quan trọng như việc di chuyển Đập Tam Hiệp lên quỹ đạo địa tĩnh cách trái đất 36.000km. Đây là một dự án rất đáng mong đợi”.

Đập Tam Hiệp ở miền trung Trung Quốc là dự án thủy điện lớn nhất thế giới. Nằm ở giữa sông Dương Tử – con sông dài nhất Trung Quốc, đập có công suất phát điện hàng năm khoảng 100 tỷ kWh.

“Hãy tưởng tượng việc lắp đặt một mảng pin mặt trời rộng 1km dọc theo quỹ đạo địa tĩnh cách trái đất 36.000km”, ông Long nói thêm.

Quy mô của dự án đòi hỏi phải phát triển và triển khai các tên lửa siêu nặng, đồng nghĩa với năng lực công nghệ vũ trụ của Trung Quốc sẽ phải có bước nhảy vọt trong những năm tới. Long March-9 (CZ-9), một tên lửa đẩy hạng nặng có thể tái sử dụng do nhóm của ông Long phát triển, được cho là phương tiện phóng cho dự án.

“Tên lửa CZ-5 cao khoảng 50 mét, còn CZ-9 sẽ cao tới 110 mét. Một ứng dụng chính của tên lửa này sẽ là xây dựng các trạm năng lượng mặt trời trên không gian”, ông Long cho biết.

Đáng chú ý, CZ-9 có thể mang tới 150 tấn lên quỹ đạo Trái Đất thấp, vượt qua tên lửa đẩy hạng nặng Saturn V và Hệ thống phóng không gian (SLS) của NASA, có tải trọng 130 tấn.

Mặc dù ý tưởng của ông Long có vẻ giống như trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, nhưng đây không phải là lần đầu tiên nó được đưa ra. Ý tưởng này đã được thảo luận trong giới khoa học trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, kế hoạch của Trung Quốc cho thấy một trong những bước đi cụ thể nhất hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn này.

Theo SCMP 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm