Tài chính

Trung Quốc chi phối cả một ngành công nghiệp: Nhà giàu tiêu tiền gấp 5 lần người Mỹ, 7 năm nữa sẽ vô địch phân khúc xa xỉ phẩm

Trung Quốc chi phối cả một ngành công nghiệp: Nhà giàu tiêu tiền gấp 5 lần người Mỹ, 7 năm nữa sẽ vô địch phân khúc xa xỉ phẩm - Ảnh 1.

Tầm này năm ngoái, Thượng Hải - thủ phủ thời trang xa xỉ của Trung Quốc - đang hứng chịu đợt phong tỏa nghiêm ngặt do dịch COVID-19. Các trung tâm thương mại cao cấp vắng khách, trông đìu hiu và trống rỗng đến lạ.

Hiện tại, câu chuyện đã khác. Việc đám đông đổ xô đến các điểm bán lẻ sầm uất đã trở thành khung cảnh quá quen thuộc, nhất là sau khi giới thượng lưu đại lục quay lại ‘vung tiền’ như trước.

“Tôi tiêu pha nhiều hơn”, Sunny Zhang, 24 tuổi, nói khi đang xếp hàng chờ vào cửa hàng Chanel tại trung tâm thương mại Plaza 66. Cô Zhang, nhân viên một công ty tư vấn từng mua 6 chiếc túi xách mỗi năm, nay chuyển sang mua tới 5 chiếc mỗi tháng.

“Tôi thay túi xách mỗi ngày,” cô Zhang nói thêm. “Tôi cảm thấy rằng mọi thứ đều vô nghĩa trong thời gian Thượng Hải bị phong tỏa, vì vậy chúng ta nên tận hưởng khoảnh khắc hiện tại”.

Tư duy mới này của người tiêu dùng giàu có giúp nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ phương Tây ghi nhận doanh thu tích cực. Tháng trước, LVMH, tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới tính theo doanh số bán hàng, đồng thời là chủ sở hữu các thương hiệu như Louis Vuitton, Tiffany & Company và Dior, đã chứng kiến doanh thu quý đầu tiên tăng tới 17%. Danh mục thời trang và đồ da tăng 18%, phần lớn nhờ sự phục hồi trong nhu cầu mua sắm tại Trung Quốc.

Tuần trước, cổ phiếu LVMH chạm mốc cao kỷ lục, trở thành công ty châu Âu đầu tiên vượt ngưỡng 500 tỷ USD vốn hoá. Đối thủ Pháp của nó là Hermès thì ghi nhận doanh số bán hàng quý I tại thị trường châu Á (trừ Nhật Bản) tăng 23%, phần lớn nhờ chi tiêu trong Tết Nguyên đán tăng vọt.

Brunello Cucinelli, thương hiệu áo ngắn tay xa xỉ cũng công bố doanh số bán hàng quý đầu tiên tăng 56%. Luca Lisandroni, đồng Giám đốc điều hành của thương hiệu Ý, gọi năm 2023 là “năm vàng” đối với thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc chi phối cả một ngành công nghiệp: Nhà giàu tiêu tiền gấp 5 lần người Mỹ, 7 năm nữa sẽ vô địch phân khúc xa xỉ phẩm - Ảnh 2.

Theo Cục Thống kê Quốc gia, doanh số bán lẻ đồ trang sức, vàng và bạc tăng 37,4% trong tháng 3, nhanh gấp 3 lần so với đà phục hồi chung của thế giới. “Chúng tôi kỳ vọng Trung Quốc sẽ là động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp xa xỉ trong năm nay. Các thị trường cốt lõi khác như Mỹ và Hàn Quốc đã có sự giảm tốc”, Edouard Aubin, chuyên gia phân tích tại Morgan Stanley, nói, đồng thời cho biết các thương hiệu như Chanel, Hermès và Louis Vuitton đang vượt trội so với đối thủ. “Hiện tại, phần lớn sự phục hồi trong chi tiêu không đến từ tầng lớp trung lưu. Động lực chủ yếu đến từ việc người giàu chi tiêu nhiều hơn”, ông Aubin nói.

Theo The New York Times, trong hơn một thập kỷ qua, đất nước với 1,4 tỷ người tiêu dùng này đã tiếp thêm sức mạnh cho thị trường xa xỉ phương Tây, đồng thời đóng góp tới 1/3 doanh thu trên toàn cầu. ⅔ còn lại diễn ra bên ngoài đại lục, khi khách du lịch Trung Quốc đổ xô đến Hồng Kông, Tokyo, Paris… để né tránh thuế.

“Không nghi ngờ gì khi nói rằng thị trường Trung Quốc đại lục và nhóm dân số trẻ tuổi tại đây là động lực tăng trưởng chính trong những năm tới của các nhãn hàng xa xỉ. Không chỉ ở các khu trung tâm, ngay tại những thành phố cấp 2, cấp 3, thu nhập và sức mua của người dân cũng thay đổi khá nhanh”, Ông Michele Nosa, cựu CEO hãng Salvatore Ferragamo cho biết.

Hồi năm 2020, Trung Quốc đóng cửa biên giới để đối phó với đại dịch. Giờ đây, sau 3 năm phụ thuộc chủ yếu vào shopping trực tuyến, người tiêu dùng vui mừng vì đã có thể chạm tận tay, nhìn tận mắt các món đồ mà trước đây họ phải mua qua màn hình điện thoại.

Tại khu phố Zhang Yuan, nơi những tòa nhà đã được trùng tu đẹp đẽ, một đám đông tụ tập đợi bên ngoài cửa hàng Dior. Annie Yi, nữ ca sĩ nổi tiếng của Đài Loan, bước ra từ cửa hàng cùng một người phụ nữ xách chiếc túi Dior màu trắng bản rộng.

Zoe Zhou, người đang tìm kiếm chiếc túi xách được một thành viên nhóm Blackpink ưa dùng, cho biết cô đã chứng kiến quá nhiều cảnh người mua xếp hàng bên ngoài các trung tâm thương mại.

Trung Quốc chi phối cả một ngành công nghiệp: Nhà giàu tiêu tiền gấp 5 lần người Mỹ, 7 năm nữa sẽ vô địch phân khúc xa xỉ phẩm - Ảnh 3.

Trung Quốc chi phối cả một ngành công nghiệp

“Bây giờ các hạn chế đã được dỡ bỏ, có rất nhiều người mua túi xách,” Zhou nói, thất vọng vì chiếc túi mình muốn mua đã bán hết. “Bạn cũng có thể ra nước ngoài. Chênh lệch giá giữa trong và ngoài nước khá lớn”.

Theo các chuyên gia, tại Trung Quốc, người trẻ tuổi tiêu tiền nhiều gấp 5 lần so với những người đồng trang lứa tại Mỹ. Các nhãn hiệu xa xỉ cũng chỉ rõ rằng nhóm khách hàng tạo ra tăng trưởng cho họ chính là thế hệ Gen-Z.

Tuy vậy, chiều lòng nhóm người tiêu dùng trẻ không dễ. Nếu thế hệ lớn tuổi quan tâm tới thương hiệu, nhóm người trẻ lại thích khẳng định thêm phong cách cá nhân qua những món đồ họ bỏ tiền ra mua.

“Các thương hiệu cần chú trọng hơn tới màu sắc, phụ kiện để khách hàng trẻ tuổi có thể lựa chọn và phối đồ nhằm thể hiện cá tính. Chúng tôi đã thuê nhiều gương mặt Gen- Z làm đại diện thương hiệu để gây thiện cảm hơn với nhóm khách hàng này”, ông Adam Hersgiman, phó Chủ tịch tập đoàn Tumi cho biết.

Dự báo cho cả năm 2023, các nhãn hiệu xa xỉ sẽ đánh dấu bước tăng trưởng nhảy vọt. Riêng tại Trung Quốc, khảo sát của Global Blue and Gusto cho thấy có 92% người được hỏi nói rằng họ có kế hoạch đi du lịch nước ngoài kết hợp mua sắm nhiều nhất có thể.

7 năm nữa, khách Trung Quốc được dự báo sẽ chiếm khoảng 40% lượng khách sắm hàng hiệu. Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ cũng được dự báo sẽ trở thành thị trường màu mỡ đối với các nhãn hàng xa xỉ.

Theo: The New York Times, SCMP

Cùng chuyên mục

Đọc thêm