Đồng rúp của Nga. (Ảnh: Reuters)
Châu Âu và Mỹ đang dội hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin đưa xe tăng vào Ukraine, bổ sung thêm các biện pháp trừng phạt đã áp trước đó vì việc Nga công nhận độc lập cho 2 tỉnh ly khai ở miền đông Ukraine.
“Quan điểm cho rằng Nga sẽ không bị ảnh hưởng là không đúng. Tác động tiêu cực có thể không cảm thấy ngay, nhưng sẽ làm thui chột tiềm năng của Nga trong dài hạn”, Christopher Granville, giám đốc điều hành tại hãng tư vấn TS Lombard và là một nhà quan sát kỳ cựu về Nga, nói với Reuters.
Những biện pháp của phương Tây gồm đóng băng tài sản của các ngân hàng và doanh nhân Nga, chặn huy động vốn ở nước ngoài, đóng băng dự án đường ống dẫn khí 11 tỷ USD Nord Stream 2 sang Đức và hạn chế tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao như thiết bị bán dẫn.
Nga tuyên bố các biện pháp trừng phạt sẽ gây tác dụng ngược đối với lợi ích của bên áp đặt, và sẽ không tác động đến nền kinh tế có mức dự trữ ngoại hối 643 tỷ USD và doanh thu lớn từ dầu khí.
Những chỉ số đó khiến Nga được mệnh danh là “pháo đài” kinh tế, cùng với mức thặng dư GDP 5% mỗi năm và tỷ lệ nợ 20% GDP - mức thấp nhất thế giới. Chỉ khoảng một nửa nợ phải trả của Nga là bằng đồng đô la Mỹ, giảm từ mức 80% so với cách đây 2 thập kỷ.
Những số liệu đó là kết quả của nhiều năm tiết kiệm sau khi bị phương Tây trừng phạt vì sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Theo ông Granville, giá dầu tăng vọt sẽ mang về cho Nga 1,5 nghìn tỷ rúp (17,2 tỷ USD) nữa trong năm nay từ các khoản thuế đánh vào lợi nhuận của các công ty dầu khí.
Nhưng ông Granville cho rằng Nga cũng sẽ phải trả giá.
“Về cơ bản Nga sẽ bị coi là một nước thù địch, bị chặn khỏi các dòng vốn, đầu tư và tương tác kinh tế bình thường trên toàn cầu, từ đó ảnh hưởng đến mức sống của người dân, thu nhập và lợi nhuận của các công ty”, ông Granville nói.
Các chuyên gia cho rằng đã xuất hiện các dấu hiệu dễ tổn thương về kinh tế. Thu nhập hộ gia đình của Nga vẫn thấp hơn mức của năm 2014 và 2019, trong khi sản lượng kinh tế ở mức 1,66 nghìn tỷ USD, thấp hơn mức 2,2 nghìn tỷ USD trong năm 2013, theo số liệu của Ngân hàng thế giới (WB).
Sergei Guriev, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu, chỉ ra rằng GDP bình quân đầu người trên danh nghĩa của Nga gấp đôi Trung Quốc vào năm 2013, nhưng giờ tụt lại phía sau.
“Năm 2013, Nga là nước thu nhập cao và đang tích cực đàm phán vào OECD. Giờ Nga quay lại nhóm thu nhập trung bình”, ông Guriev nói.
Đầu tư nước ngoài vào Nga cũng đang thu hẹp dần.
Khảo sát do JPMorgan thực hiện cho thấy tỷ lệ nắm giữ trái phiếu bằng đồng rúp ở nước ngoài đang ở mức thấp nhất trong 2 thập kỷ; đầu tư vào cổ phiếu chưa bao giờ quay lại mức trước khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Mức phí bảo hiểm mà các nhà đầu tư đòi để giữ khoản nợ bằng đồng đô la Mỹ của Nga tăng vọt thêm hơn 13 điểm phần trăm so với trái phiếu kho bạc Mỹ, gần gấp ba lần trung bình của các thị trường mới nổi.
“Các biện pháp trừng phạt sẽ buộc Nga phải tự cung cấp tài chính và hạn chế đầu tư vào công nghiệp và quân sự”, Jeffrey Schott, một chuyên gia về thương mại và trừng phạt tại Viện Peterson về kinh tế quốc tế, nhận định.
Những biện pháp trừng phạt bổ sung có thể bao gồm việc loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và cấm hoàn toàn đầu tư vào Nga.
Không được sử dụng SWIFT sẽ làm phức tạp các hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu, từ đó cản trở việc thanh toán trái phiếu, gây ra vỡ nợ kỹ thuật. JPMorgan dự đoán các biện pháp trừng phạt có thể làm mất 3,5 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP của Nga trong nửa sau năm nay.
Bị hạn chế vốn nước ngoài sẽ khiến các công ty dầu khí phải phụ thuộc vào hợp đồng trả trước và sẽ tốn phí cao hơn, JPMorgan cho biết.
Các chuyên gia cũng cho rằng mức sống suy giảm dần có nguy cơ gây ra sự bất mãn trong dân chúng.