Ngày 1-10, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đã trả lời báo chí về việc thời gian qua có tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, đặc biệt trong ngành y tế.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết việc cán bộ, công chức, viên nghỉ việc, chuyển từ khu vực công sang khu vực tư là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua.
Bộ Nội vụ đã có báo cáo Chính phủ và cũng đã đề nghị các bộ ngành, cơ quan trung ương, địa phương báo cáo cụ thể, thời kỳ báo cáo là từ đầu năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022.
Toàn cảnh cuộc họp báo Chính phủ chiều 1-10
Đến nay, Bộ Nội vụ đã nhận được báo cáo của 28 cơ quan trung ương và 63 tỉnh, TP trên cả nước. Qua tổng hợp báo cáo cho thấy, từ đầu năm 2020 đến tháng 6-2022, cả nước có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc (chiếm gần 2% tổng số biên chế được giao). Bình quân mỗi năm, có khoảng 15.820 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc (chiếm khoảng 0,8% tổng biên chế).
Trong số 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, có hơn 4.000 công chức, có trên 35.000 viên chức. Trong đó, lĩnh vực giáo dục có hơn 16.400 người nghỉ việc và lĩnh vực y tế có hơn 12.100 người nghỉ việc.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc nêu trên, các cơ quan Trung ương chiếm 18%, còn lại là ở các địa phương.
Về nguyên nhân của tình trạng này, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho rằng chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ mặc dù đã có cải thiện, Trung ương và cơ quan có thẩm quyền đã có nhiều chỉ đạo về vấn đề này nhưng nhìn chung chính sách tiền lương khu vực công còn nhiều khó khăn.
"So với nhu cầu cuộc sống hiện nay, chính sách tiền lương còn khó khăn, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ ngành có báo cáo gửi Chính phủ xem xét tăng lương như thế nào cho phù hợp" - ông Nguyễn Duy Thăng cho hay.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng chỉ rõ công tác quy hoạch cán bộ, đội ngũ chuyên gia chưa được tốt. Hiện, những cán bộ có kiến thức, chuyên môn năng lực giỏi nhưng chế độ đãi ngộ chưa phù hợp, trong khi khu vực tư lại có nhiều chính sách để thu hút.
Ngoài ra, thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh giản biên chế, nên ở một số cơ quan khối lượng công việc tăng, gây sức ép cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt là lĩnh vực y tế trong bối cảnh dịch bệnh thời gian qua.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng đề cập đến điều kiện, môi trường làm việc ở khu vực công chưa thực sự hấp dẫn, chưa tạo ra cơ hội phát triển cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
"Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân đến từ chính cán bộ, công chức, viên chức, khi họ muốn thay đổi môi trường làm việc, thay đổi định hướng làm việc nên chủ động nghỉ khu vực công"- Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho hay.
Vừa qua, Bộ Nội vụ cũng đã có công văn gửi các bộ ngành, địa phương về việc khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc. Để khắc phục tình trạng này đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đề nghị bộ ngành, địa phương quan tâm xây dựng đội ngũ này, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là đội ngũ cấp cơ sở; cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, gắn bó, ổn định.
Theo Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương cần có các chính sách hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có năng lực, uy tín để tổ chức tốt công việc, tạo niềm tin, khuyến khích làm việc.
Đồng thời, chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo tư tưởng yên tâm làm việc trong khu vực Nhà nước. Bộ Nội vụ đề nghị cần đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để tạo cơ hội, điều kiện phát triển, nhất là cán bộ trẻ.
Cùng với đó, khuyến khích, tạo điều kiện họ được tham gia học tập nâng cao trình độ, năng lực làm việc thông qua các chương trình, dự án đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài một cách thiết thực, cụ thể, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Các bộ ngành, địa phương cũng cần quy hoạch, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, có cơ chế, chính sách thỏa đáng, làm cơ sở định hướng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ. Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục chủ động nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền trên cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước để triển khai thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW vào thời điểm phù hợp; cùng với đó là tham mưu, đề xuất chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài khu vực công.