BỐ MẸ "CẮM" MẶT VÀO ĐIỆN THOẠI VÔ TÌNH KHIẾN CON BỊ TRẦM CẢM
Ngày nay, điện thoại đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Thậm chí, nó còn khiến bạn bỏ qua những người gần gũi nhất trong tim mình, đưa chúng ta vào không gian riêng biệt.
Một đứa trẻ cầm điện thoại lướt web, nghe nhạc, chơi game... dù là theo cách nào chăng nữa cũng khiến người lớn không hài lòng. Trẻ dùng điện thoại thường xuyên, liên tục có thể ảnh hưởng thị lực, sức khỏe nói chung. Trẻ dùng điện thoại quá nhiều cũng tăng nguy cơ trầm cảm. Nhưng bố mẹ có biết, phụ huynh dùng điện thoại quá nhiều cũng khiến con bị trầm cảm?
Một em bé dù mới chập chững biết đi hay đang trong giai đoạn dậy thì đều không thể nào hạnh phúc nếu thấy bố mẹ thường xuyên mải mê với chiếc điện thoại trên tay. Có không ít em bé gào khóc bố mẹ hãy chơi với mình nhưng điện thoại - nơi có những công việc quan trọng cần trao đổi, có những thứ giải trí cuốn hút... đôi khi khiến phụ huynh quên mất mình đang ở cạnh con, cần dành thời gian cho con. Một em bé không hạnh phúc rất dễ mắc phải nhiều vấn đề trong cuộc sống hiện đại. Trầm cảm là một trong số đó.
Thay vì những đêm ôm con vào lòng âu yếm trước khi đi vào giấc ngủ, bạn chỉ ôm điện thoại. Khi con hỏi, bạn ỡm ờ đáp một vài câu cho xong chuyện. Con hỏi nhiều quá, quấn quanh như cái đuôi khiến bạn thấy phát phiền và cáu kỉnh.
Những đứa trẻ ấy thực ra đang cần sự quan tâm của bố mẹ chúng mà thôi. Phản ứng của bố mẹ khiến chúng đau lòng. Có trẻ khóc òa. Có trẻ ấm ức, tủi hờn trong im lặng. Lần này qua lần khác, chúng sẽ dần thay đổi và rơi vào trầm cảm.
Đây không phải là một nhận định mang tính suy đoán! Indiatimes đưa tin, một nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc, công bố trên Tạp chí Tuổi thanh xuân khẳng định, cha mẹ phớt lờ con cái và mải mê sử dụng điện thoại thông minh có thể khiến các bé có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
Cụ thể, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu 530 trẻ trong độ tuổi 10-18 để xem chúng có phải là nạn nhân của việc thường xuyên dùng điện thoại từ cha mẹ mình, bị cha mẹ phớt lờ...
Những đứa trẻ được đưa ra 2 bảng câu hỏi. Ở bảng câu hỏi 1, trẻ phải xếp hạng việc sử dụng điện thoại của bố mẹ khi ở cạnh mình từ thang điểm 1 (không bao giờ) đến 5 (mọi lúc). Ở bảng câu hỏi 2, các nhà nghiên cứu hỏi trẻ 20 câu hỏi để xếp mức độ trầm cảm từ không bị đến tình trạng bệnh nặng.
Sau khi đánh giá dữ liệu, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối tương quan đáng chú ý. Theo kết quả, cha mẹ càng dành nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh khi ở gần con cái thì trẻ càng dễ bị trầm cảm. Trẻ cảm thấy bị từ chối, ít được yêu thương và không cảm nhận được sự ấm áp khi cha mẹ nhìn chăm chú vào màn hình.
TRẺ BỊ TRẦM CẢM THƯỜNG CÓ NHỮNG BIỂU HIỆN CỤ THỂ NHƯ THẾ NÀO?
Theo Webmd , trẻ bị trầm cảm thường có những biểu hiện sau:
- Mất tập trung học tập, nghiện điện thoại, ti vi... mà không cần biết đến những người thân xung quanh.
- Mất ngủ, khó ngủ với biểu hiện trằn trọc, mệt mỏi, thời gian ngủ mỗi ngày chỉ còn 4-5 giờ.
- Trẻ hay than phiền mệt mỏi, có dấu hiệu biếng ăn , hay cáu gắt, bi quan, chán nản, cảm giác tự ti khi không bằng bạn bè, không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình.
- Lo lắng quá mức đi kèm những biểu hiện đau đầu, chóng mặt, căng cứng cơ... hoặc trẻ luôn trong tình trạng bất an, miệng khô, khó nuốt, sợ đến trường.
- Thường xuyên mệt mỏi vô cớ.
THAY VÌ ÔM ĐIỆN THOẠI KHI Ở CẠNH CON, CHA MẸ CẦN LÀM GÌ?
Các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ dù đang ăn hay dành thời gian cho gia đình thì tuyệt đối không đụng vào bất cứ thiết bị điện tử nào. Hãy để thời gian ngồi ăn uống, gia đình tụ họp cùng nhau là thời gian không điện thoại, không ti vi... Hãy để khu vực này trở thành khu vực kết nối cả gia đình với nhau. Để con trẻ cảm nhận rõ cuộc sống được yêu thương, đầu tiên hãy bỏ điện thoại xuống.
Khi có những khoảng thời gian sum vầy đông đủ này, đừng quên tâm sự, chuyện trò, hỏi han con cái. Cha mẹ cũng đừng quên thể hiện tình cảm, sự yêu thương cho con bằng những cái ôm ấm áp, sự quan tâm đến các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày của con...