Trong một nhóm bạn bè, có một bà mẹ trẻ tìm đến tôi để than thở: “Càng lớn, con tôi càng không nghe lời. Dù tôi nói gì, nó cũng chẳng thèm để tâm”.
Thời kỳ dậy thì còn xa lắc xa lơ, vậy tại sao việc trò chuyện với con lại khó khăn đến thế?
Khi con cái dần lớn lên, nhiều phụ huynh đều có chung một cảm giác: Trẻ em ngày nay càng ngày càng khó dạy bảo. Không chỉ không muốn giao tiếp với cha mẹ, bọn trẻ còn thường xuyên buột miệng thốt ra những câu cửa miệng như: “Kệ đi”, “Tại bố/mẹ hết”, “Dù sao thì cũng…”,...
Một số cha mẹ cho rằng đây là dấu hiệu của giai đoạn nổi loạn. Dù là con trai hay con gái, ai rồi cũng sẽ trải qua những vấn đề khiến người lớn phải đau đầu. Nhưng thực ra, những hành vi mà trẻ thể hiện không hẳn là sự nổi loạn, mà là những tín hiệu cầu cứu.
Trẻ đang gặp phải những trở ngại mà chúng không thể vượt qua một mình, và chúng cần sự hỗ trợ từ cha mẹ. Nếu bạn hiểu được nguyên nhân đằng sau hành vi của con, rồi tìm cách giải quyết phù hợp, bạn sẽ giúp con trưởng thành tốt hơn.

Nhiều hành vi mà trẻ thể hiện không hẳn là sự nổi loạn, mà còn có thể là những tín hiệu cầu cứu (Ảnh minh hoạ)
Chẳng hạn, 3 dấu hiệu dưới đây thực chất ẩn chứa rất nhiều thông tin quan trọng. Bạn đã thực sự hiểu hết ý nghĩa của chúng chưa?
1. Khi trẻ thường xuyên nói: “Kệ đi, dù sao thì cũng...”
Việc giáo dục con cái là sứ mệnh thiêng liêng mà cha mẹ phải dốc lòng thực hiện suốt đời. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng nắm được cách dạy con đúng đắn.
Có những người rõ ràng rất yêu thương con, nhưng không hiểu sao lời nói ra lại vô tình biến thành những vết thương lòng. Trong cuộc sống, ta thường thấy một số cha mẹ thích dùng lời phê bình để khiến con nhận ra khuyết điểm của mình.
Chẳng hạn, khi con muốn vào bếp phụ giúp và lóng ngóng làm đổ đồ, cha mẹ liền bảo: “Thôi, con ra chơi đi, dù sao con cũng chẳng làm được gì đâu”.
Hoặc khi thấy con học hành sa sút, trong lúc nóng giận, cha mẹ buột miệng: “Thế là xong rồi, dù sao con cũng chẳng thể nào vào được đại học top đầu, học trường bình thường là được”.
Đôi khi, đó chỉ là lời nói trong lúc bực tức, nhưng trẻ lại có thể tin là thật. Dưới sự ám thị từ những câu nói như vậy, trẻ dần dần học theo và biến “dù sao thì cũng…” thành câu cửa miệng của mình.
Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy những đứa trẻ bị cha mẹ gọi là “nổi loạn” thường thích nói từ “dù sao”: “Dù sao mẹ cũng chẳng nghe con nói gì", “Dù sao mọi lỗi lầm cũng là do con.”, “Dù sao con có học cũng chẳng giỏi được",...
Vậy từ “dù sao” mà trẻ hay nói rốt cuộc phản ánh tâm lý gì? Tại sao trẻ lại thốt ra những lời như vậy?
Thực ra, khi trẻ nói “dù sao”, thường là vì chúng đã bị cha mẹ đả kích tinh thần quá nhiều lần. Khi đối mặt với một tình huống, trẻ sợ hãi, không muốn trải qua cảm giác thất bại thêm lần nữa. Chúng bắt đầu hạ thấp kỳ vọng của mình và dùng “dù sao” để che giấu mong muốn thật sự trong lòng.
Nếu con bạn thường xuyên nói “dù sao”, đó không phải là sự nổi loạn hay cố ý chống đối bạn. Đó là cách trẻ phát ra tín hiệu cầu cứu – chúng đang gặp khó khăn và cần bạn dang tay giúp đỡ.

Ảnh minh hoạ
Vậy phải làm gì khi con của bạn thường xuyên nói câu “dù sao”?
Rất đơn giản: hãy “đọc vị” những lời nói ngược của trẻ để nhận ra nhu cầu thực sự ẩn sau đó.
Chẳng hạn con nói: “Dù sao con cũng chẳng làm được” thực chất là trẻ muốn nói: “Con mong bố mẹ tin rằng con có thể làm được”. Hay con nói: “Dù sao bố mẹ cũng nghĩ con không bằng người khác” nghĩa là: “Con hy vọng bố mẹ sẽ thấy con giỏi hơn người ta”.
Khi hiểu được ý nghĩa thật sự, cha mẹ cần phản hồi bằng thái độ tích cực, kịp thời đáp ứng mong đợi của con. Hãy cho con biết rằng bạn nhận ra kỳ vọng của chúng, và ý kiến của chúng được tôn trọng.
Tất nhiên, không phải lúc nào cũng cần đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ. Với những đòi hỏi vô lý hoặc không thể thực hiện, bạn hãy giải thích rõ ràng cho con lý do. Dù không được đáp ứng, nhưng nếu trẻ biết bạn hiểu lòng mình, chúng vẫn sẽ cảm thấy an ủi và bớt tổn thương hơn.
2. Khi trẻ thích cãi lại cha mẹ
Nhiều cha mẹ thường xuyên chỉ bảo con phải làm gì, không được làm gì, và luôn muốn kiểm soát hành vi của con. Khi trẻ chậm chạp hay cãi lại, cha mẹ càng thêm lo lắng, bối rối, không biết xử lý ra sao.
Tại sao trẻ lại thích đối đầu và cãi lại lời bạn?
Từ 2 đến 4 tuổi, trẻ trải qua giai đoạn nhạy cảm về ý thức bản thân và trật tự. Những hành vi giống như “nổi loạn” trong thời kỳ này thực ra rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Đó là cách trẻ xây dựng cái tôi, khẳng định mình là một cá nhân độc lập với quyền tự quyết định.
Đặc biệt, sau 7 tuổi, trẻ càng trở thành một “người lớn nhỏ” thích làm ngược ý cha mẹ. Chúng bắt đầu cảm thấy mình đã lớn, muốn tự mình làm chủ mọi việc và có những bí mật riêng. Có trẻ thậm chí sẵn sàng chia sẻ với bạn bè, nhưng lại giấu cha mẹ.
Ở giai đoạn này, trẻ xem mình như một người trưởng thành, không thích bị người lớn can thiệp, và muốn tự tay làm mọi thứ. Nhưng đồng thời, chúng vẫn mong manh, vẫn phụ thuộc vào cha mẹ, đôi khi vô lý và nhõng nhẽo. Đặc biệt, khi bị cha mẹ la mắng hay can thiệp, trẻ sẽ cãi lại để phản kháng.

Ảnh minh hoạ
Cha mẹ nên làm gì với những đứa trẻ thích nói lời đối đầu với mình?
Điều quan trọng nhất là cha mẹ buông tay, trả lại quyền kiểm soát cho trẻ, để chúng tự do khám phá và trưởng thành. Nhà giáo dục nổi tiếng Sukhomlinsky từng nói: “Giáo dục không phải là luôn nắm tay dắt trẻ đi, mà là để trẻ tự bước đi, tự chịu trách nhiệm và hình thành thái độ sống của riêng mình”.
Đôi khi, không phải trẻ không đủ giỏi, mà là cha mẹ chưa sẵn sàng buông tay. Khi bạn thử thả lỏng, trao cho con niềm tin và sự tự do, biết đâu con sẽ mang đến những điều bất ngờ tuyệt vời.
3. Khi trẻ quá nói chuyện quá bướng bỉnh
Nhà tâm lý học người Đức Heider từng thực hiện một thí nghiệm nổi tiếng: ông theo dõi 100 trẻ từ 2-5 tuổi có ý thức phản kháng mạnh mẽ và 100 trẻ không có ý thức này trong nhiều năm. Kết quả cho thấy:
- 84% trẻ có ý thức phản kháng mạnh mẽ trưởng thành với ý chí kiên định, có chính kiến, và khả năng phân tích, quyết định độc lập.
- Trong khi đó, chỉ 26% trẻ không phản kháng giữ được sự kiên định khi lớn lên; 74% còn lại thiếu chính kiến và không thể tự chịu trách nhiệm.
Trẻ bướng bỉnh trông có vẻ cứng đầu, nhưng thực chất là một “cổ phiếu tiềm năng”. Nếu được dạy dỗ đúng cách, nguồn năng lượng tiềm ẩn trong trẻ sẽ bùng nổ, mang lại lợi ích suốt đời. Tôn trọng sự bướng bỉnh của trẻ chính là bảo vệ ý thức tự chủ của chúng.

Ảnh minh hoạ
Làm sao để hướng dẫn trẻ bướng bỉnh?
- Điều chỉnh tâm thái, tôn trọng trẻ: Đừng xem sự bướng bỉnh là điều tiêu cực. Nếu ý thức bản thân của trẻ không được phát triển đầy đủ hoặc bị kìm hãm, trẻ sẽ mất tự tin, thậm chí phản kháng mạnh mẽ hơn để khẳng định mình.
- Kiềm chế cảm xúc, lắng nghe trẻ: Trẻ bướng bỉnh cần được lắng nghe. Chúng không chịu nhượng bộ vì đã có một quan điểm riêng trong lòng. Hãy dành thời gian để trẻ giãi bày, bắt đầu bằng việc đồng tình với cảm xúc của chúng để trẻ bình tĩnh, rồi từ đó tìm hiểu nguyên nhân.
- Dùng quy tắc thay vì cấm đoán: Sự bướng bỉnh là cảm tính, còn quy tắc là lý tính. Với trẻ cứng đầu, hãy đặt ra những giới hạn rõ ràng, đơn giản và cụ thể. Thay vì nói “Con không được làm thế này”, hãy cùng trẻ thảo luận: Việc gì trẻ tự quyết định được, việc gì cần hỏi ý kiến, và việc gì tuyệt đối không được làm.
Cha mẹ và con cái thực ra là tấm gương phản chiếu lẫn nhau. Qua con, cha mẹ thấy lại hành trình trưởng thành của chính mình; qua cha mẹ, con mơ hồ hình dung về tương lai của bản thân. Chúng ta học hỏi, lớn lên và cảm nhận tình yêu từ nhau, để rồi trong tình yêu ấy, cùng khám phá những điểm sáng rực rỡ của đối phương.
Theo Sohu