Cầu cứu bác sĩ vì nghe lời hù dọa "xuất tinh nhiều làm mất kẽm"
Anh K. (35 tuổi) đến cầu cứu bác sĩ vì tình trạng rối loạn cương nhẹ và mệt mỏi kéo dài. Anh cho biết, trước đó có đọc quảng cáo trên mạng về việc "xuất tinh nhiều làm mất kẽm, yếu sinh lý" nên đã mua thực phẩm chức năng bổ sung kẽm trên trang bán hàng trực tuyến.
Bệnh nhân sử dụng liên tục thực phẩm này trong 6 tháng nhưng không thấy cải thiện sinh lý, ngược lại còn có dấu hiệu đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa.
Tại trung tâm sức khỏe nam giới ở TPHCM, kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân có nồng độ kẽm trong máu bình thường, không bị thiếu kẽm.
Nguyên nhân rối loạn cương được nghĩ nhiều do căng thẳng công việc, thiếu ngủ và lối sống ít vận động. Còn việc bị rối loạn tiêu hóa của bệnh nhân do bổ sung kẽm quá liều mà không có nhu cầu thực sự.
Bệnh nhân được bác sĩ đề nghị ngừng dùng kẽm, điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Sau thời gian điều chỉnh lối sống và kiểm soát căng thẳng, hiện tình trạng rối loạn cương của bệnh nhân đã cải thiện.

Bác sĩ làm xét nghiệm tinh dịch đồ cho một bệnh nhân (Ảnh: BS).
Cũng xem trên TikTok và các mạng xã hội thấy quảng cáo xuất tinh sớm là do thiếu kẽm, bổ sung kẽm sẽ giúp kéo dài thời gian quan hệ, anh N. (28 tuổi) đến gặp bác sĩ và kiên quyết yêu cầu được kê đơn bổ sung kẽm, dù chưa có bất kỳ xét nghiệm nào.
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Trà Anh Duy, chuyên khoa Nam học cho biết, kết quả xét nghiệm nồng độ kẽm trong máu bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Xuất tinh sớm trong trường hợp này không liên quan đến thiếu kẽm, mà chủ yếu do yếu tố tinh thần và kiểm soát phản xạ xuất tinh kém.
Bệnh nhân được áp dụng phác đồ điều trị cá thể kết hợp liệu pháp hành vi, tham vấn tâm lý và thuốc. Sau 3 tháng điều trị đúng hướng, nam thanh niên đã cải thiện đáng kể tình trạng sinh lý mà không cần bổ sung kẽm.
Khuyến cáo từ bác sĩ
Theo bác sĩ Duy, gần đây trên mạng xã hội tràn lan những quảng cáo khẳng định thủ dâm hay xuất tinh nhiều làm mất kẽm, gây suy giảm sinh lý, rối loạn cương, thậm chí là vô sinh, khiến nam giới hoang mang.
Những nội dung này thường được gắn với việc bán thực phẩm chức năng bổ sung kẽm, khiến nhiều nam giới mua sử dụng vô tội vạ, gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
Bác sĩ Duy phân tích, kẽm (zinc) là một vi chất quan trọng giúp duy trì sản xuất testosterone, hỗ trợ chức năng sinh sản và cải thiện chất lượng tinh trùng. Theo một nghiên cứu công bố trên Journal of Nutrition năm 2016, thiếu kẽm có thể gây suy giảm nồng độ testosterone và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Tuy nhiên, điều này chủ yếu xảy ra ở những người bị thiếu kẽm nghiêm trọng do suy dinh dưỡng hoặc bệnh lý mạn tính, không phải do xuất tinh nhiều như các quảng cáo sai lệch đang tuyên truyền.

Bác sĩ cảnh báo, việc nghe theo những quảng cáo thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội có thể gây ra nhiều hậu quả (Ảnh: BS).
Nghiên cứu cũng chỉ ra, mỗi lần xuất tinh chỉ làm mất khoảng 0,5-1mg kẽm, trong khi nam giới trưởng thành cần khoảng 11mg kẽm/ngày. Như vậy, ngay cả khi một người xuất tinh hàng ngày, lượng kẽm mất đi vẫn rất nhỏ và không thể gây thiếu hụt kẽm nếu có chế độ ăn uống đầy đủ.
Bác sĩ cảnh báo, việc nghe theo những quảng cáo thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội có thể gây ra nhiều hậu quả đáng ngại, như: lạm dụng thực phẩm chức năng gây rối loạn tiêu hóa, mất cân bằng vi chất; tốn kém chi phí nhưng không giải quyết đúng vấn đề sức khỏe; điều trị sai hướng...
Thay vào đó, nam giới chỉ nên bổ sung kẽm khi có chỉ định từ bác sĩ, và nên lấy kẽm từ thực phẩm tự nhiên để tránh tác dụng phụ từ việc dùng kẽm quá liều.