Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Thị Hương Thùy, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thông tin trên, dẫn chứng thêm trong ba tháng đầu năm số ca đồng nhiễm 2-3 bệnh truyền nhiễm như cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV), sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy do virus rota... tại bệnh viện này tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Tình trạng đồng nhiễm nhiều bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ cả về cấu trúc lẫn chức năng", bác sĩ Thùy giải thích. Các tế bào miễn dịch quan trọng như lympho T, lympho B có vai trò nhận diện và tiêu diệt mầm bệnh vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Khả năng tạo kháng thể đặc hiệu còn yếu, đồng thời trí nhớ miễn dịch (khả năng ghi nhớ các tác nhân từng xâm nhập để phản ứng nhanh hơn khi tái nhiễm) cũng chưa phát triển toàn diện. Do đó, cơ thể chưa thể phòng vệ hiệu quả.
Khi trẻ mắc bệnh sởi, tay chân miệng..., hệ miễn dịch tập trung chống lại tác nhân đó. Trong thời gian này, cơ thể bị suy giảm miễn dịch tạm thời, tạo điều kiện cho các tác nhân khác như RSV, vi khuẩn Hib, phế cầu... dễ dàng tấn công. Thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh, làm lây lan nhanh mầm bệnh trong môi trường nhà trẻ, lớp học và cộng đồng.
Đơn cử bé Hải, 2 tuổi, mắc RSV, suy hô hấp, sốt, ho, khò khè điều trị ngoại trú không giảm. Khi vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám, bé xuất hiện ban đỏ mịn rải rác trên người, ho nhiều, khò khè, thở nhanh, phổi có rale (tiếng ran) ẩm, rale phế quản, thùy trên phổi bị xẹp. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phế quản phổi, sởi, đồng nhiễm RSV và vi khuẩn Hib.
Còn bé Châu, 7 tháng tuổi, sốt cao liên tục 39-40 độ C, kém đáp ứng thuốc hạ sốt, ho nhiều, thở rít, bỏ ăn. Mẹ bé mắc bệnh sởi cách đây 9 ngày, nay kết quả xét nghiệm cho thấy bé dương tính với sởi và RSV. Bác sĩ bệnh viện Tâm Anh kết luận trẻ mắc bệnh sởi, viêm phế quản, nhiễm RSV, được điều trị nội trú.
Khi trẻ nhiễm đồng thời nhiều tác nhân gây bệnh, tình trạng có xu hướng chuyển nặng nhanh hơn. "Trẻ dễ gặp các biến chứng như viêm phổi nặng, suy hô hấp, co giật, mất nước, tử vong nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời", bác sĩ Thùy nói, dẫn các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong ở trẻ mắc sởi đồng thời với virus gây bệnh hô hấp như RSV, cúm, Adenovirus... cao hơn so với trẻ chỉ nhiễm một loại virus.
Các bệnh truyền nhiễm thường có triệu chứng ban đầu dễ nhầm lẫn. Chẳng hạn RSV gây ra các triệu chứng viêm long đường hô hấp tương tự cúm, cảm lạnh thông thường. Bệnh sởi dễ nhầm với sốt phát ban, sốt xuất huyết... Trong bối cảnh nhiều bệnh cùng xuất hiện có thể gây khó khăn trong việc chẩn đoán. Nếu trẻ không được khám, làm xét nghiệm chẩn đoán đầy đủ có thể dẫn đến bỏ sót tác nhân gây bệnh hoặc chậm trễ xử trí, khiến bệnh tiến triển nặng.
Tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, trẻ mắc đồng thời nhiều bệnh được cách ly riêng biệt để đề phòng lây nhiễm chéo. Trẻ được điều trị thuốc theo phác đồ phù hợp, kết hợp vệ sinh mũi họng, tăng cường dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Như bé Hải, bé Châu, sau một tuần điều trị, sức khỏe ổn định, được xuất viện.

Bác sĩ Hương Thùy khám cho bé Hải trước khi xuất viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Để phòng tránh bệnh chồng bệnh ở trẻ, bác sĩ Thùy khuyên phụ huynh nên cho trẻ tiêm chủng vaccine theo khuyến cáo của Bộ Y tế; tăng cường vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân cho trẻ; nhắc nhở bé rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch nước sát khuẩn chuyên dụng, vệ sinh đồ chơi, vật dụng sinh hoạt, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người. Phụ huynh tránh để bé tiếp xúc với người bệnh, người nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc đến những nơi đông người trong thời điểm dịch bệnh bùng phát.
Nếu bé có biểu hiện sốt, ho, nổi ban, đau họng, tiêu chảy..., bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cách ly với những trẻ khác trong gia đình, bảo đảm vệ sinh tay sau khi chăm sóc. Phụ huynh nên sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Tránh trường hợp tự điều trị tại nhà có thể khiến bệnh tiến triển nặng.
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |