Giới hạn cứng nhắc độ tuổi có thể gây lãng phí nguồn lực
Ngày 1/4, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Công chứng sửa đổi.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo luật quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi.
Dự thảo luật quy định chuyển tiếp với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa 2 năm kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nie Thanh Hà cho rằng, đối chiếu với Bộ luật Lao động và một số luật chuyên ngành thì nên sửa lại theo hướng không quá 65 tuổi để đảm bảo sức khoẻ.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị đánh giá kỹ để giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng viên. Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng lên gần 74 tuổi, nhiều người 70 tuổi còn minh mẫn, đảm bảo sức khoẻ, bà cho rằng nếu quy định cứng “không quá 70 tuổi” có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội, nên cần có quy định khả thi hơn.
Trong khi đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc quy định về độ tuổi được thực hiện hoạt động công chứng của công chứng viên, vì có thể làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Cũng có ý kiến này cho rằng, công chứng viên cao tuổi có nhiều kiến thức và kỹ năng hành nghề công chứng. Vì vậy nếu dự thảo luật quy định giới hạn cứng nhắc độ tuổi hành nghề sẽ gây lãng phí xã hội. Do đó, một số ý kiến đề nghị không giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên…
Cân nhắc “điều hơn lẽ thiệt”
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, công chứng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời đây là loại hình dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu và cơ bản.
Luật Quy hoạch đã bỏ quy hoạch về sản phẩm dịch vụ, hàng hoá nên Chính phủ phải có chiến lược, định hướng phát triển trong từng giai đoạn, bộ quản lý phải ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện thì địa phương có căn cứ làm. “Bỏ quy hoạch không có nghĩa không có quản lý, mà quản lý bằng phương pháp khác”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Điểm đáng lưu ý khác, dự thảo cấm công chứng viên tiết lộ thông tin về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nội dung này chưa phù hợp với Bộ luật Dân sự. “Thông tin trên văn bản công chứng liên quan nhiều bên, mà Bộ luật Dân sự có nguyên tắc bí mật riêng tư không được xâm phạm. Giờ người yêu cầu công chứng đồng ý là tiết lộ thì quyền của người liên quan thế nào?”, Chủ tịch Vương Đình Huệ đặt vấn đề.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị làm rõ hơn, tránh khi tổ chức triển khai thực hiện có sự hiểu không thống nhất.
Báo cáo giải trình bước đầu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, luật lần này sửa khá cơ bản trên tinh thần cân nhắc “điều hơn lẽ thiệt”, các quy định, chính sách của Đảng, yêu cầu thực tiễn...
Theo ông, một số vấn đề mang tính chất nguyên lý thì nên cố gắng nhất quán, trong đó có nguyên lý tiếp cận và kế thừa, kinh nghiệm quốc tế của liên minh công chứng thế giới mà Việt Nam là thành viên.
Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến để thẩm tra chính thức, gửi tài liệu tới đại biểu Quốc hội trước kỳ họp thứ 7 theo đúng thời gian quy định.