Kỹ năng sống

Tranh luận "nóng" về việc bắt buộc học 2 buổi/ngày với học sinh THCS và THPT

Tóm tắt:
  • Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu dạy 2 buổi/ngày cho cấp THCS và THPT, gây tranh cãi trong phụ huynh.
  • Nhiều phụ huynh ủng hộ việc học 2 buổi/ngày để giảm áp lực và tăng thời gian học tập.
  • Một số phụ huynh phản đối, cho rằng học sinh cần thời gian tự lập và phát triển kỹ năng cá nhân.
  • Bộ GD-ĐT sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể cho việc dạy 2 buổi/ngày vào tháng 5.
  • Nội dung giáo dục sẽ bao gồm kỹ năng số, STEM, hướng nghiệp và các chuyên đề khác.

Chiều 3/4, tại buổi kiểm tra, khảo sát của Bộ GD-ĐT về tình hình triển khai học bạ số, xây dựng học liệu số và tổ chức dạy 2 buổi/ngày đối với giáo dục phổ thông, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông cho biết, tới đây Bộ GD-ĐT sẽ sửa đổi, yêu cầu bậc THCS, THPT bắt buộc dạy 2 buổi/ngày. 

Thông tin này ngay lập tức thu hút sự quan tâm, bày tỏ ý kiến của nhiều phụ huynh nhưng vẫn còn nhiều luồng ý kiến rất khác nhau. 

Anh Nguyễn Văn Thành (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Nếu các con được học 2 buổi/ngày ở trường thì tốt quá, phụ huynh sẽ không phải đau đầu vì khó kiểm soát khi một buổi con ở nhà xem ti vi, chơi điện tử..."

Tuy nhiên, theo anh Thành, nếu triển khai học 2 buổi/ngày thì chương trình dạy cần được sắp xếp lại hợp lý. Bên cạnh học chương trình của Bộ GD-ĐT nên kết hợp các chương trình ngoại khóa, kỹ năng sống hoặc cho học sinh tìm hiểu di tích lịch sử, trau dồi tình yêu thương con người. "Bộ phải có kế hoạch cụ thể để thực hiện”, anh Thành bày tỏ.

Cũng có những ý kiến phụ huynh đồng tình việc dạy học 2 buổi/ngày. Ảnh minh họa

Cũng có những ý kiến phụ huynh đồng tình việc dạy học 2 buổi/ngày. Ảnh minh họa

Theo anh Thành, nếu triển khai học 2 buổi/ngày thì giáo viên nên xem xét cho học sinh giải quyết luôn bài tập ở lớp, về nhà chỉ nghỉ ngơi thư giãn. “Nếu học 2 buổi/ngày mà về nhà còn làm bài tập tới khuya thì các con không có thời gian vui chơi, nghỉ ngơi”, anh Thành nói.

Cùng quan điểm, chị Vũ Thu Hương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: Nếu học 2 buổi/ngày ở trường thì quá tốt vì phụ huynh không phải lo chạy ngược xuôi tìm trung tâm học thêm cho con hay sợ con thiếu hụt kiến thức. Con học ở trường là bố mẹ yên tâm nhất. 

Ngược lại, chị Nguyễn Thị Hòa (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, gia đình chị định hướng cho con đi du học nên ngoài thời gian trên lớp, con học với người nước ngoài vào một số buổi chiều. Hơn nữa, vì làm việc linh động nên chị và con cũng có nhiều thời gian học năng khiếu cùng nhau, gắn kết tình cảm gia đình.

“Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT không nên triển khai việc học 2 buổi/tuần vì nhiều gia đình có những định hướng riêng nên có phương pháp học riêng. Chưa kể, học sinh cấp THCS, THPT cũng phải tự lập đưa ra kế hoạch học tập, vui chơi, tự bồi dưỡng kiến thức, tham gia hoạt động cộng đồng, xã hội. Giáo viên cũng cần có thêm thời gian cho gia đình hay tham gia các hoạt động, khóa học để nâng cao nghiệp vụ. Hơn nữa, đâu phải trường nào cũng đủ lớp học để đáp ứng việc dạy cả ngày”, nữ phụ huynh cho hay.

Bạn đọc Thế Trung Nguyễn viết: “Tôi đồng ý chia thời gian dạy 2 buổi trên ngày nhằm đảm bảo bớt áp lực buổi sáng và dạy thêm các môn năng khiếu, để phụ huynh học sinh bớt gánh nặng dạy thêm, học thêm tại các trung tâm”.

Tuy nhiên, cùng phản hồi về VietNamNet, nhiều độc giả cũng bày tỏ ý kiến trái chiều với những lý lẽ riêng.

Bạn đọc Vũ Trường bày tỏ quan điểm: “Tôi không có nhu cầu cho con học THPT 2 buổi/ngày để cho cháu còn tập thể thao. Bớt học thêm mà lại học cả ngày ở trường thì không còn ý nghĩa”.

Độc gia Anh Vũ cũng cho rằng, khối THCS và THPT chỉ cần 1 buổi/ngày. Còn tiểu học thì 2 buổi/ngày vì các con còn bé, ở trường cho cha mẹ đỡ lo.

Nêu thực tế ở địa phương, bạn đọc Thành Nam cho biết: “Quê tôi thì cấp THCS học 2 buổi/ngày vào thứ 2, 4, 6 và học 1 buổi/ngày vào thứ 3, 5, 7, tức là nghỉ buổi chiều”.

Cùng nêu lý do chỉ nên học 1 buổi/ngày, bạn đọc tên Cường cho rằng, cần cho các cháu có thời gian thư giãn, sáng tạo với học cả ngày ở trường, tối về lại học thì đầu óc đến mụ mị.

Về những vấn đề này, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, trong tháng 5, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày và làm rõ từng nội dung để tạo thuận lợi cho các trường trong năm học mới. 

Vụ trưởng Thái Văn Tài lưu ý, khi dạy 2 buổi/ngày nhà trường không thể gộp dạy tất cả các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào buổi sáng mà thời khóa biểu cần thiết kế, sắp xếp rải đều ở cả 2 buổi nhằm giảm áp lực cho học sinh. Ngoài ra cần khai thác các chủ đề, chuyên đề học tập để biến kiến thức thành năng lực cho học sinh. Các chủ đề, chuyên đề được tổ chức khác hoàn toàn với việc dạy môn học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Dự kiến có 5 nội dung bắt buộc nhà trường phải đưa vào nội dung giáo dục khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là: Giáo dục hình thành kỹ năng số cho học sinh; Giáo dục STEM; Giáo dục hướng nghiệp; Luật An toàn giao thông; Chuyên đề, hoạt động giáo dục hình thành năng lực cho học sinh.

Các tin khác

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay (8/4), khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ có sương mù nhẹ, trời có mưa phùn, mưa nhỏ rải rác, ban ngày nhiều mây, ít mưa. Dự báo hình thái thời tiết này còn duy trì ở miền Bắc đến ngày 11/4.

Miền Bắc mưa đến bao giờ?

Hôm nay (6/4), miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, riêng vùng núi có mưa vừa đến mưa to. Dự báo hình thái này duy trì đến hết ngày 7/4. Khu vực Bắc Trung Bộ hôm nay cũng có mưa rải rác. Các khu vực khác ít mưa, hửng nắng, riêng Đông Nam Bộ có nắng nóng.

Trở lại ngôi vị giàu nhất thế giới, Elon Musk nắm giữ khối tài sản kỷ lục

Sau hai năm xếp thứ hai, Elon Musk chính thức giành lại vị trí người giàu nhất hành tinh trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes năm 2025. Không chỉ sở hữu khối tài sản kỷ lục 342 tỷ USD, Musk còn vươn lên thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng chính trị lớn tại Mỹ, trở thành cố vấn thân cận của Tổng thống Donald Trump

Giá vàng giảm mạnh, điều cần tránh ngay lúc này

Sáng nay (5/4), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh về quanh mốc 101 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư vàng thời điểm này cần hết sức thận trọng, tránh chạy theo tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội vì sẽ mang lại rủi ro lớn.