Những năm gần đây, bên cạnh kiểu dáng, nội thất hay động cơ, phần mềm cũng là một trong số các yếu tố mà người mua xe lưu tâm. Thực tế, phần mềm đang kiểm soát nhiều thứ, từ hệ thống hỗ trợ người lái duy trì tốc độ cho đến đảm bảo xe dừng khi đạp phanh. Khi mua xe, không ít người đặt câu hỏi: Nên chọn xe có phần mềm tương thích với Google hay Apple?
Ôtô ngày nay hoạt động giống như "smartphone có bánh xe", nhưng vấn đề là các nhà sản xuất xe lại gần như không thể tạo ra phần mềm ngang bằng với những gì các công ty công nghệ cung cấp.
Trước đây, người dùng không mấy quan tâm đến phần mềm nào đang chạy trên xe của họ. Nhưng khi mọi thứ trở nên kết nối, chiếc xe như biến thành một thiết bị di động phóng to. Đây là điều Google và Apple mong đợi, thúc đẩy họ đối mặt với nhau ở trận chiến mới sau "đấu trường" Android và iOS, đó là Android Automotive và CarPlay.
Bước tiến của Google
Công ty thuộc Alphabet được đánh giá là tiên phong hơn về phần mềm cho xe hơi. Từ năm 2017, hãng công bố Android Automotive - hệ điều hành cài trong xe để điều khiển hệ thống thông tin giải trí tích hợp, thay vì chỉ một phiên bản Android được tùy biến từ smartphone.
Android Automotive thu hút sự chú ý lớn với khả năng biến màn hình trên nhiều loại xe mới thành thiết bị chạy ứng dụng Android tùy chỉnh cho ôtô. Với nền tảng này, các nhà sản xuất ôtô cũng có thể cấp phép cho ứng dụng và dịch vụ của riêng Google, như Google Maps hay Google Assistant thông qua một thỏa thuận gọi là Google Automotive Services. Nền tảng cũng làm được nhiều việc khác thông qua quá trình thu thập tất cả dữ liệu trên xe, như tốc độ, tình trạng pin, hệ thống sưởi, điều hòa không khí... để giúp người dùng kiểm soát phương tiện tốt hơn.
Thời gian ngắn sau khi ra đời, Android Automotive được đánh giá là giải pháp tuyệt vời để thay thế phần mềm tùy chỉnh của nhà sản xuất. Năm 2020, Volvo Polestar 2 - chiếc xe đầu tiên chạy Android Automotive - được bán ở Mỹ. Ford cũng chuẩn bị thay hệ thống thông tin giải trí Sync bằng giải pháp của Google từ năm sau.
Hiện Google đã công bố quan hệ đối tác với gần mười hãng ôtô và nhà cung cấp phụ tùng, trong đó có Stellantis, Honda, BMW. Theo một số nhà sản xuất, việc bắt tay với Google để trang bị Android Automotive là điều nên làm, do đây là nền tảng được công ty công nghệ hàng đầu phân phối, có bản cập nhật thường xuyên, nhiều tính năng... Ở chiều ngược lại, Google có thêm cơ hội tiếp cận hàng triệu người sử dụng dịch vụ Android thông qua ứng dụng bản đồ Maps hay trợ lý ảo Assistant.
Apple không ngồi yên
Apple chưa công bố nền tảng nào giống Android Automotive - một hệ điều hành can thiệp sâu vào hệ thống ôtô. Họ cũng hạn chế đề cập về kế hoạch của mình ở lĩnh vực này.
Tuy nhiên, hồi tháng 4, có thông tin cho rằng Apple đang xây dựng hệ điều hành riêng có tên carOS để điều khiển xe thông minh với các tính năng tương tự của Tesla. Theo Digitimes, thay vì sử dụng giải pháp của bên thứ ba, công ty sẽ tự phát triển nền tảng và tích hợp tất cả tính năng điều khiển, giải trí. Điểm tương đồng với Tesla là nó sẽ là hệ thống duy nhất kiểm soát mọi chức năng của xe.
Vào tháng 6, bản demo thế hệ tiếp theo của phần mềm CarPlay, được Apple trình diễn tại WWDC 2022, cũng hé lộ phần nào tham vọng của hãng. Tại sự kiện, công ty trình chiếu hình ảnh giao diện của một chiếc xe tương lai, đồng thời công bố loạt đối tác cho CarPlay từ 2023, như Volvo, Ford, Honda, Renault, Mercedes và Porsche.
Theo các chuyên gia, động thái của Apple cho thấy việc họ sẽ giới thiệu một nền tảng tích hợp ở cấp độ Android Automotive là điều dễ xảy ra trong thời gian tới.
Apple cho biết CarPlay sẽ kiểm soát sâu một số tính năng trên xe, gồm đồng hồ đo tốc độ, vòng quay và trạng thái sạc. Theo Isaac Trefz, cựu kỹ sư phần mềm tại BMW, để hiển thị các thông số quan trọng như vậy, hệ thống phải được tích hợp sâu về mặt vật lý, nhất là về phần cứng điều khiển chúng.
Chris Jones, nhà phân tích tại Canalys, cho rằng có khả năng Apple đã đạt được một số thỏa thuận trong việc tích hợp CarPlay sâu bên trong xe. Dù vậy, với các yêu cầu khắt khe của hãng, một số nhà sản xuất ôtô có thể chùn bước.
Với những bước đi trên, giới chuyên gia đánh giá phần mềm cho ôtô sẽ là cuộc đua tiếp theo của Apple, Google và các hãng công nghệ khác. Dù vậy, trận chiến này không diễn ra nhanh chóng như với nền tảng di động.
"Ngành công nghiệp ôtô rất bảo thủ. Vì vậy, nếu ai đó nói hệ điều hành cho xe sẽ bùng nổ trong 5 năm tới, có lẽ họ quá lạc quan", Trefz, người có nhiều thập kỷ thiết kế các hệ thống phần cứng và phần mềm điều khiển ôtô, nhận xét.
(theo WSJ)