Sáng 9-2, phóng viên đến trụ sở một UBND phường ở quận Tân Bình, TP HCM, để xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch tại đây hỏi "hộ khẩu ở đâu?". Khi biết phóng viên có hộ khẩu ở quê thì người này nói phải về nơi đăng ký thường trú mới có thể xác nhận.
Bỏ mà vẫn "buộc"
"Tạm trú thì ở đây không làm được hả chị?". Trước câu hỏi này, nữ công chức trả lời với thái độ khó chịu: "Tình trạng hôn nhân phải về nơi thường trú em mới làm được, hiểu chưa?". Tiếp tục bày tỏ thắc mắc vì sao nhà nước đã bỏ sổ hộ khẩu và bản thân có căn cước công dân (CCCD) gắn chip nhưng vẫn không làm được, phóng viên lập tức nhận lại âm thanh lớn gần như quát: "Trời ơi! Chị trả lời thêm một lần nữa là nơi tạm trú em không làm được cho dù em có bất kỳ giấy tờ gì".
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP HCM .Ảnh: ANH VŨ
Chia sẻ câu chuyện "đã có CCCD gắn chip còn nộp thêm giấy tờ" với một công chức tư pháp - hộ tịch đang làm việc tại UBND cấp xã của TP HCM, phóng viên được vị này thừa nhận mặc dù đã xóa sổ hộ khẩu nhưng trong một số thủ tục hành chính thì người dân vẫn cần xin giấy xác nhận nơi cư trú. Nguyên nhân là trong quá trình làm thủ tục, việc quét CCCD gắn chip của người dân không hiển thị đầy đủ dữ liệu cần thiết. Vì vậy, người dân buộc phải xin giấy xác nhận nơi cư trú thì mới có thể làm được.
"Khi quét nhưng dữ liệu không đầy đủ thì chúng tôi không thể giải quyết hồ sơ cho người dân, nếu làm là sai so với quy định…, vì vậy mà buộc người dân phải xin giấy xác nhận nơi cư trú" - vị này giải thích. Ông cũng cho biết tại trụ sở mình đang làm việc, mỗi ngày khoảng 50% số hồ sơ không thể giải quyết ngay vì cần giấy xác nhận nơi cư trú. Người dân nộp giấy này thì mới có thể làm những bước tiếp theo.
Người dân phải đi làm giấy xác nhận cư trú thì mới được giải quyết các thủ tục hành chính trước đó có yêu cầu sổ hộ khẩu .Ảnh: THẢO NGUYỄN
Tình cảnh "trớ trêu" tương tự diễn ra tại UBND phường Linh Trung, TP Thủ Đức. Chiều 8-2, vợ chồng anh Nguyễn Đình Hồ (23 tuổi; thường trú ở thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) và chị Trần Mỹ Quỳnh Nga (22 tuổi; quê tỉnh Bến Tre; cùng tạm trú phường Linh Trung) tới để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Tại đây, vợ chồng anh Hồ được cán bộ phường hướng dẫn về nơi đăng ký thường trú để xác nhận tình trạng hôn nhân (độc thân), đồng thời đến công an phường Linh Trung để xác nhận nơi đang tạm trú. Sau đó, trở lại UBND phường Linh Trung để hoàn thành thủ tục.
"Tôi nghĩ thông tin đã được tích hợp đầy đủ trên CCCD gắn chip, không ngờ để làm được giấy đăng ký kết hôn ở đây, chúng tôi phải mất nhiều thời gian và công sức đến vậy" - anh Hồ nói.
Cũng tại bộ phận một cửa ở phường Linh Trung, chị Nguyễn Sơn Tuyết Loan (49 tuổi) cầm chắc cuốn sổ hộ khẩu trên tay để chờ số thứ tự công chứng sổ hộ khẩu photo. Chị Loan kể khi làm thủ tục chuyển trường cho con trai học tiểu học, nhà trường yêu cầu cung cấp sổ hộ khẩu thì mới hoàn thành được thủ tục. Người phụ nữ giải thích dù sổ hộ khẩu đã bị khai tử nhưng đây lại là yêu cầu bắt buộc của nhà trường. Chị phải làm đủ loại giấy tờ nên vừa cập rập vừa tiếc thời gian.
7 cách chỉ chọn… 1 cách?
Còn ở Bình Dương, theo ghi nhận, hầu hết các phường cũng như phòng công chứng đều buộc người dân mang giấy xác nhận cư trú khi đi làm thủ tục hành chính mà trước đó phải có sổ hộ khẩu mới làm được.
Có mặt tại UBND phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một trong vai người đi làm thủ tục hành chính tại bộ phận 1 cửa, phóng viên tiếp cận cán bộ ở đây nêu mong muốn được làm một số giấy tờ liên quan tới nhà đất. Vị cán bộ nói hiện nay, những hồ sơ trước đó bắt buộc phải có sổ hộ khẩu thì bây giờ phải đến công an phường xin giấy xác nhận cư trú mới làm được.
Trước lời phàn nàn tưởng bỏ sổ hộ khẩu thì thủ tục nhanh gọn hơn, ai ngờ ngược lại, vị cán bộ trần tình phường chưa được trang bị hệ thống đọc chip. Vì thế, bắt buộc phải có giấy xác nhận cư trú.
Về những tình huống trớ trêu sau khi bỏ sổ hộ khẩu, đại diện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) thừa nhận việc bức xúc của người dân là dễ hiểu. Trong trường hợp cán bộ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ở UBND các cấp hoặc cơ quan chức năng dù có đủ điều kiện nhưng không thực hiện các phương thức khác để xác nhận, chứng minh nơi cư trú, vẫn buộc công dân phải ra công an phường để xin giấy xác nhận cư trú là "hành dân", gây khó dễ, làm chậm, cản trở quá trình cải cách thủ tục hành chính.
Nói rõ thêm, thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (C06), cho rằng trường hợp không có hệ thống đọc chip, cán bộ tiếp dân vẫn có thể quan sát và đọc thông tin trên mặt thẻ CCCD để khai thác thông tin của công dân.
Đối với một số thủ tục bắt buộc phải có thông tin chính xác về nơi thường trú tính đến thời điểm hiện tại, cán bộ tiếp dân có thể sử dụng 1 trong 7 phương thức mà Bộ Công an đã hướng dẫn. "Trong số này, cán bộ có thể khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua tài khoản dịch vụ công của người dân hoặc tài khoản của chính cán bộ. Vì thế, không nhất thiết phải yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận cư trú" - thượng tá Vĩnh nói và khẳng định cổng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đơn vị thường xuyên theo dõi, về cơ bản cơ sở dữ liệu đang đáp ứng tốt, không có vấn đề gì.