Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa báo cáo UBND TP, phản hồi đề xuất của UBND quận 1 về đầu tư nhà vệ sinh công cộng tạm thời trên các khu đất trống chưa thực hiện dự án.
Theo đó, Sở Tài nguyên Môi trường ủng hộ đề xuất xây nhà vệ sinh công cộng để nâng cao khả năng phục vụ người dân và khách du lịch.
Qua rà soát, hiện nay TPHCM có khu đất số 8-12 Lê Duẩn và số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, quận 1) do Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM trực tiếp quản lý. Sở Tài nguyên Môi trường cho biết có thể bàn giao ngay cho UBND quận 1 xây dựng nhà vệ sinh công cộng tạm thời.
Khu đất “vàng” số 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TPHCM) liên quan đến vụ án biến đất công thành đất tư được TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vào tháng 1/2022. Bản án tuyên giao khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng cho UBND TPHCM xem xét xử lý.
Thi hành bản án, Cục Thi hành án dân sự TPHCM cùng Viện KSND TPHCM bàn giao khu đất 6.080m2 này cho UBND TPHCM. Sở Tài nguyên Môi trường tiếp nhận và giao Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý. Đến ngày 11/10/2022, Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM đã tiếp nhận khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng do Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thuê đất trả tiền hằng năm để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và nộp tiền thuê đất hằng năm. Năm 2012, Chính phủ có nghị quyết yêu cầu các công ty nhà nước phải thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính.
Tuy nhiên, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, Sabeco đã dùng quyền sử dụng khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng và nguồn tiền của tổng công ty để góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl, sau đó dùng pháp nhân này để thực hiện dự án xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại.
Sau khi Sabeco thực hiện xong các thủ tục pháp lý đầu tư, Bộ Công Thương chỉ đạo tổng công ty này thoái toàn bộ vốn góp tại Sabeco Pearl. Tháng 10/2016, Sabeco Pearl đổi tên thành Công ty CP Đầu tư Quảng trường Mê Linh. Lúc này, dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng được chuyển toàn bộ sang các nhà đầu tư là doanh nghiệp tư nhân, giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất thuộc về Công ty CP Đầu tư Mê Linh.
TAND Cấp cao tại Hà Nội xác định, việc chuyển quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Sabeco Pearl không đúng đối tượng, không qua đấu giá, trái với các quy định của pháp luật về đất đai. Do đó, các đơn vị liên quan phải giao lại thửa đất 2-4-6 Hai Bà Trưng cho UBND TPHCM xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không gây thiệt hại cho tài sản nhà nước, cũng như bảo đảm quyền lợi cho các bên liên quan.
Còn khu đất số 8-12 Lê Duẩn là tài sản nhà nước. Khi UBND TPHCM đồng ý xây dựng khách sạn tại khu đất này, có nêu rõ phải lựa chọn nhà đầu tư uy tín và không áp dụng hình thức liên doanh.
Tuy nhiên khi triển khai, ông Nguyễn Thành Tài, với tư cách Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã ký nhiều văn bản chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm tham gia góp vốn đầu tư dự án với tỷ lệ 30%, giao và cho thuê đất không qua đấu giá. Bà Lê Thị Thanh Thúy - Giám đốc Công ty Hoa Tháng Năm, lợi dụng sự quen biết với những người liên quan để góp vốn, tham gia quản lý, khai thác lô đất 8-12 Lê Duẩn sai quy định.
Đến sáng 22/9, Cục Thi hành án dân sự TPHCM phối hợp cơ quan chức năng tổ chức thi hành án đối với bản án hiệu lực từ ngày 2/12/2021 của TAND cấp cao tại TPHCM về việc thu hồi, bàn giao khu “đất vàng” 8 - 12 Lê Duẩn quận 1 cho UBND TPHCM quản lý, sử dụng theo quy định pháp luật. Sau đó, UBND TPHCM đã ủy quyền cho Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM tiếp nhận và quản lý khu đất 8 - 12 Lê Duẩn.
Trước đó, UBND quận 1 đề xuất xây nhà vệ sinh công cộng tại 5 khu đất trống chưa thực hiện dự án, gồm thương xá Tax (135 Nguyễn Huệ), khu mở rộng khách sạn Majestic ở số 2-4-6 Nguyễn Huệ, khu đất số 8-12 Lê Duẩn, khu đất số 8 Nguyễn Trung Trực, khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM đề nghị UBND quận 1 chủ động làm việc với chủ dự án các khu đất xây thương xá Tax (135 Nguyễn Huệ), khu đất số 8 Nguyễn Trung Trực, khu mở rộng khách sạn Majestic ở số 2-4-6 Nguyễn Huệ, để xác định vị trí cụ thể thực hiện đầu tư, xây mới.
Như Tiền Phong đã phản ánh, trong khi số lượng nhà vệ sinh công cộng tại TPHCM vốn đã quá ít, nhiều nơi còn bị chiếm dụng trái phép .
Ngày 19/3, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên làm việc với UBND quận 1 về công tác chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn quận sau những vấn đề nóng liên quan đến các nhà vệ sinh công cộng khu vực trung tâm.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, từ trước đến nay, TPHCM đã có chủ trương triển khai thực hiện vận động, cải tạo và xây dựng mới các nhà vệ sinh công cộng, tuy nhiên do thiếu sự đầu tư, giám sát, nâng cấp cải tạo dẫn đến nhiều nhà vệ sinh công cộng xuống cấp trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu phải nhìn lại vấn đề này một cách nghiêm túc và hành động một cách quyết liệt để khắc phục trong thời gian sớm nhất, phải tạo được chuyển biến mạnh mẽ trước dịp lễ 30/4.