Bất động sản

Cho rằng lãi suất gói 120.000 tỷ đồng cao, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng triển khai gói 110.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi khoảng 4,8-5%/năm

Cho rằng lãi suất gói 120.000 tỷ đồng cao, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng triển khai gói 110.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi khoảng 4,8-5%/năm - Ảnh 1.

Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa thông báo tin vui về nỗ lực của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Giải pháp rất đúng, rất trúng

Theo đó, với Nghị quyết số 33, HoREA cho rằng, Nghị quyết đã đánh giá chính xác tình hình thị trường bất động sản hiện nay, xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc chủ yếu, chỉ rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và điều quan trọng nhất là Nghị quyết Chính phủ đã đề ra các quan điểm và mục tiêu để xây dựng, phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo tổng thể các giải pháp rất đúng, rất trúng và giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh và chỉ rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản

Đồng thời, Nghị quyết số 33 cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có trách nhiệm ưu tiên mọi nguồn lực để thanh toán nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu; chủ động nghiên cứu tái cơ lại giá cả, cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường.

Gỡ vướng cho condotel

Đặc biệt, với Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03/04/2023 của Chính phủ "sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai", trong đó đã quy định chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ đối với công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch.

Nghị định này cho phép công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật. Chủ sở hữu công trình xây dựng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản…

Tuy nhiên, Hiệp hội tiếp tục kiến nghị cấp giấy chứng nhận cho căn hộ du lịch (condotel), căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) và các "công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú trên đất thương mại, dịch vụ" để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tính khái quát cao về "phạm vi điều chỉnh" của quy phạm pháp luật.

Triển vọng phát triển nhà ở xã hội

Về Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/04/2023 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt đề án “đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

HoREA hoan nghênh Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, mở ra triển vọng huy động nguồn lực của Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa để phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của đông đảo người thu nhập thấp và công nhân lao động.

Đồng thời, Hiệp hội rất hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 1/4/2023 triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP với gói cho vay 120.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, HoREA cho rằng, lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 8,2%/năm đối với người mua nhà ở xã hội vẫn rất cao, nếu so với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm áp dụng cho năm 2023 đối với người mua nhà ở xã hội được quy định tại quyết định số 2081/QĐ-NHNN ngày 12/12/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Hiệp hội cũng đánh giá, thời gian áp dụng ưu đãi 5 năm với người mua nhà, sau đó áp dụng lãi suất thỏa thuận là quá ngắn. Đồng thời, không phù hợp với bản chất của chính sách tín dụng ưu đãi về nhà ở xã hội là cần được vay với lãi suất thấp, trong thời hạn dài mà Luật Nhà ở 2014 đã quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm.

Do vậy, về lâu dài nhằm đảm bảo nguồn vốn tín dụng, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét xây dựng hoàn thiện chính sách tín dụng về phát triển nhà ở xã hội.

Theo đó, HoREA cho hay, cần sửa đổi, bổ sung quy định về các nguồn vốn cho phát triển nhà ở theo hướng: Bổ sung thêm việc huy động vốn từ quỹ đầu tư phát triển địa phương để phát triển nhà ở xã hội, giới hạn mục đích sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để phát triển hạ tầng cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, bổ sung hình thức huy động vốn từ nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội.

Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu đề xuất gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng, bằng khoảng 30% nhu cầu nguồn vốn để thực hiện Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.

Gói này theo cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất theo kế hoạch chi ngân sách nhà nước trung hạn, tùy thuộc vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng sẽ để cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay với lãi suất ưu đãi khoảng 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm