Sức khỏe

TPHCM: Cấp cứu người phụ nữ nguy kịch sau khi... gãi ngứa

Nguyên nhân người phụ nữ nguy kịch sau khi gãi ngứa

Đó là trường hợp của bà T.T.D. (71 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang). Khai thác bệnh sử, bà D. bị đái tháo đường type 2 hơn 10 năm nay, phải duy trì uống thuốc và ăn kiêng đều đặn.

Do bệnh lâu năm, bà bị biến chứng tổn thương dây thần kinh ngoại biên ở hai chân, thường xuyên có cảm giác kiến bò, đau hoặc ngứa không rõ nguyên nhân. Gần đây do quá khó chịu, bà D. đã gãi mạnh liên tục cho đỡ ngứa, thậm chí ngâm nước nóng để dễ chịu hơn.

Cuối tháng 4, bắp chân trái - nơi bệnh nhân gãi nhiều - xuất hiện bầm tím, sưng tấy, sau đó lan nhanh đến mu bàn chân. Bà D. tự mua kháng sinh uống nhưng không đỡ. Chỉ sau 3 ngày, vùng dưới chân người bệnh sưng nóng, đỏ da, đau nhức kèm sốt lạnh run toàn thân.

Khi gia đình đưa bà đến bệnh viện ở TPHCM khám, toàn bộ vùng cẳng chân trái của bệnh nhân sưng to kèm nổi bóng nước, nhiều mủ. Người bệnh có biểu hiện lơ mơ, vật vã, thở nhanh, tím tái, tụt huyết áp… nên được đưa thẳng vào phòng cấp cứu.

TPHCM: Cấp cứu người phụ nữ nguy kịch sau khi... gãi ngứa - 1

Chân của bà D. bị nhiễm trùng vết thương nặng (Ảnh: BV).

Các xét nghiệm nhanh cho thấy, bà D. sốc nhiễm trùng, suy thận cấp trên nền bệnh tiểu đường, tăng huyết áp nặng. Bệnh nhân lập tức được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực & Chống độc (ICU) để lọc máu khẩn, điều trị tích cực ngăn chặn suy thận tiến triển và các biến chứng nặng hơn dẫn tới tử vong.

Sau 4 ngày lọc máu liên tục, người phụ nữ thoát tình trạng nguy kịch, sức khỏe ổn định hơn, được chuyển sang khoa Nội tiết - Đái tháo đường để xử lý biến chứng ở chân. Lúc này, cẳng chân trái bà D. sưng to và đau đớn, vết thương lớn đã hoại tử diện tích lớn, tiết dịch, nhiều mủ.

Bệnh nhân sau đó trải qua 3 lần phẫu thuật để cắt lọc các mô hoại tử, sau đó tiến hành ghép da. Hiện tại, vùng da ghép ở mu bàn chân bà D. hồi phục tốt. Tuy nhiên, người bệnh lớn tuổi cũng như vết thương ở bắp chân lớn và sâu, nên cần tiếp tục theo dõi và điều trị lâu dài.

Cảnh giác biến chứng nhiễm trùng khi bị đái tháo đường

Bác sĩ chuyên khoa 1 Phạm Thị Thu Hà, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, cho biết đường huyết cao là lý do chính khiến người bệnh đái tháo đường có nguy cơ nhiễm trùng vết thương cao hơn người không mắc bệnh.

Cụ thể, đường huyết cao tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây nhiễm trùng, tạo vết loét, đồng thời là nguyên nhân làm cản trở tế bào bạch cầu đa nhân, gây suy yếu hàng rào bảo vệ của hệ miễn dịch.

TPHCM: Cấp cứu người phụ nữ nguy kịch sau khi... gãi ngứa - 2

Chân bà D. phục hồi tốt sau thời gian điều trị (Ảnh: BV).

Người bệnh tiểu đường khi lượng đường trong máu cao thường xuyên làm tổn thương các dây thần kinh, mạch máu ở bàn chân, do đó khi có vết thương ở chân sẽ lâu lành, có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng.

Biến chứng bàn chân đái tháo đường làm cho người bệnh mất cảm giác đau, ngay cả khi bị đứt chân, phồng rộp hoặc có vết loét. Đây là cơ hội cho vi khuẩn, vi trùng xâm nhập gây nhiễm trùng.

Nếu bàn chân bị hoại tử hoặc lở loét, việc điều trị không cải thiện sẽ đối diện nguy cơ cắt cụt chi để ngăn nhiễm trùng lan rộng, đe dọa đến tính mạng.

Theo bác sĩ Hà, loét bàn chân đái tháo đường được chia làm ba nhóm biến chứng: loét thần kinh, loét mạch máu, loét nhiễm trùng. Trong đó, loét nhiễm trùng được cho là biến chứng nguy hiểm nhất.

Như trường hợp sốc nhiễm trùng của bệnh nhân trên, xảy ra khi cơ thể đã chuyển sang nhiễm trùng huyết kèm theo tụt huyết áp và có rối loạn chức năng tim mạch, nguy cơ tử vong cao.

Mỗi năm, số người bệnh tiểu đường mới được chẩn đoán tăng lên, kéo theo việc gia tăng tỷ lệ loét bàn chân do tiểu đường (tỷ lệ 15-25% số ca bệnh). Vết loét có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở người bệnh từ 45 tuổi trở lên.

Bác sĩ khuyến cáo, để hạn chế tình trạng nhiễm trùng xảy ra, ngoài việc kiểm soát đường huyết, người đái tháo đường nên chú ý đến các vết thương ở chân để phát hiện biến chứng (sưng tấy đỏ da, đau nhức, tiết dịch đục, chảy mủ…) và đến các chuyên khoa điều trị vết thương sớm để can thiệp kịp thời.

Các tin khác

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Nợ xấu của hệ thống tín dụng hiện ở mức cao, có xu hướng gia tăng, tạo áp lực lớn cho lĩnh vực ngân hàng

Thống đốc cho rằng, việc hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại qua cho vay đặc biệt cần được quyết định nhanh chóng để đảm bảo an toàn và an ninh hệ thống tín dụng. Đồng thời, việc tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ để xử lý nợ xấu sẽ hỗ trợ xoay vòng vốn, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

Giá vàng SJC tăng mạnh, bỏ xa vàng nhẫn

Sáng nay (22/5), giá vàng trong nước bật tăng theo giá vàng thế giới. Theo đó, giá vàng miếng SJC lên mốc 121 triệu đồng/lượng, bỏ xa giá vàng nhẫn 3,5 - 5,5 triệu đồng/lượng.

Bia Budweiser tăng gấp đôi công suất sau 10 năm

Ngày 21.5, ông Craig Maclean - Tổng giám đốc AB InBev Đông Nam Á cho biết sau 10 năm hoạt động, công suất Nhà máy bia AB InBev tại Khu công nghiệp VSIP II-A Bình Dương (nơi sản xuất Budweiser) đã tăng gấp đôi, từ 50 triệu lít/năm lên 100 triệu lít/năm. Việt Nam là một trong 10 nước tiêu thụ bia lớn trên thế giới.

5 món ăn uống giúp hạ men gan tự nhiên

Ngoài bỏ uống rượu, tăng cường ăn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, chất xơ, quả mọng cũng có thể giúp giảm men gan, đưa chỉ số trở lại mức cân bằng.

Hà Nội ghi nhận các ca bệnh Covid-19 phải nhập viện

Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết có xu hướng tăng trong 2 tuần gần đây tại Hà Nội. Bệnh viện Thanh Nhàn có 6 bệnh nhân Covid-19 nội trú đang được điều trị tích cực.

Cổ phiếu Vinhomes, Novaland tăng trần

Hàng loạt cổ phiếu bất động sản tăng vọt, trong đó có VHM và NVL chạm giá trần, giúp VN-Index nối dài mạch đi lên hai phiên liên tiếp.