Tín dụng bất động sản (BĐS) tăng mạnh nhất vào tháng 4/2024.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh - PGĐ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh tính tới thời điểm cuối tháng 4/2024, tổng dư nợ BĐS trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là 981,5 ngàn tỷ, tăng 1,61% so với cuối năm 2023. Phân tích số liệu theo từng tháng cho thấy trong tháng 1/2024 tín dụng BĐS giảm 0,49%; tháng 2 giảm 0,01% và đến tháng 3 tăng trưởng trở lại ở mức 0,96% và tháng 4/2024 là tháng tăng trưởng cao nhất, lên tới 1,15% .
Nếu phân tích theo từng tháng thì rõ ràng là tín dụng BĐS đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, đặc biệt là tháng 4/2024. Điểm đặc biệt là tín dụng cho vay nhà để ở chiếm số lượng lớn. Trong số 981,5 ngàn tỷ thì tín dụng cho vay mua nhà để ở chiếm khoảng 688 ngàn tỷ, chiếm 68% so với tổng dư nợ.
Đặt trong mối liên hệ của tín dụng BĐS cả nước thì tín dụng BĐS của TP Hồ Chí Minh chiếm khoảng 33% trong tổng dư nợ bất động sản của cả nước và nếu phân tích tín dụng chung trên địa bàn thì chiếm khoảng 27%. Ngược trở lại những năm gần đây tín dụng bất động sản cũng chiếm 27 đến 28% tổng dư nợ tín dụng, tuỳ theo thời điểm.
Tín dụng BĐS công nghiệp bất ngờ tăng mạnh.
Tăng trưởng tín dụng lĩnh vực khu công nghiệp, khu chế xuất trong 4 tháng đầu năm tại địa bàn TP Hồ Chí Minh đang tăng trưởng rất tốt. Mặc dù thông thường, tín dụng khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) chiếm chỉ đâu đó 4,5% nhưng trong bốn tháng đầu năm lên tới 9,5%, một con số tăng trưởng rất cao, cao hơn rất nhiều so với tốc độ chung của ngành. Nếu so với tăng trưởng chung của thị trường bất động sản là 1,61% thì riêng tín dụng đối với KCN, KCX là 9,5% . Điều đó chứng tỏ thị trường tự điều tiết rất linh hoạt và thông minh.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - PGĐ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh.
Những nhóm ngành nào của thị trường tốt thì tín dụng đều đáp ứng và hỗ trợ từ việc thu hút vốn, hoạt động hiệu quả thì các tổ chức tín dụng luôn sẵn sàng đáp ứng vốn của doanh nghiệp, miễn là dự án đủ điều kiện.chính sách cũng đã có những tác động tích cực. Lãi suất thấp không chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân trong lĩnh vực BĐS mà còn kích thích, mở rộng và tăng trưởng.
Những tác động kích thích này đang có những tín hiệu từ một số lĩnh vực trong thị trường BĐS từ nhà ở, KCN, KCX và các lĩnh vực đầu tư kinh doanh.
Theo ông Lệnh, nếu phân tích ở góc độ tín dụng thì quy mô của tín dụng BĐS đã thể hiện vai trò của nguồn vốn ngân hàng. Nguồn vốn này có vai trò rất quan trọng và thị trường mỗi khi có yếu tố biến động thì tất cả thị trường, doanh nghiệp đều nhìn thấy yếu tố về nguồn vốn này.
Có thể nói, cơ chế chính sách của Ngân hàng Trung ương trong suốt thời gian qua không chỉ thực hiện nhiệm vụ giữ ổn định kinh tế vĩ mô mà còn thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó thì có tác động đến thị trường BĐS.