Thời sự

TP HCM thu hút gần 550 triệu USD vào các khu chế xuất và công nghiệp

Khu chế xuất Tân Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài đạt 196,6 triệu USD; vốn đầu tư trong nước đạt hơn 8.150 tỷ đồng (tương đương 352,48 triệu USD).

Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, tình hình thu hút đầu tư năm 2022 khả quan hơn kể từ khi thành phố mở cửa đón khách quốc tế từ ngày 15/3/2022, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhà đầu tư.

Do đó, có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư vào các khu công nghiệp, kích thích các dự án bất động sản trong khu công nghiệp đón làn sóng thu hút đầu tư bởi Việt Nam còn là điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài góp phần đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Hiệu quả đầu tư tại các khu chế xuất và công nghiệp cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, suất đầu tư/ha của năm 2022 đạt 7,17 triệu USD/ha, tăng 20% so với đầu tư bình quân trên 1 ha của khu chế xuất, khu công nghiệp.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là quỹ đất thu hút đầu tư còn hạn chế, thiếu quỹ đất lớn phục vụ cho thu hút đầu tư do các khu công nghiệp hiện hữu dần lấp đầy hoặc đang gặp vướng mắc về xác định giá thuê đất đối với nhà nước.

Nhiều khu công nghiệp chưa được ký hợp đồng thuê đất với Nhà nước cho diện tích đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc chưa hoàn tất bồi thường, giải phóng mặt bằng, thêm nữa, một số khu công nghiệp mới chậm triển khai.

Dự báo nền kinh tế trong nước, Tp. Hồ Chí Minh trong năm mới 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nhiều doanh nghiệp giảm đơn hàng; tình hình cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm không thuận lợi do xung đột chiến tranh trên thế giới.

Do vậy, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thu hút đầu tư trong năm 2023, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu đầu tư trong khu chế xuất, khu công nghiệp.

Trong đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số, nhất là ngành cơ khí theo hướng tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngành công nghệ thông tin như: thiết bị điện tử, thông tin, phần mềm, vi mạch, robot…

Đồng thời, tập trung phát triển công nghiệp thời trang ngành dệt may, da giày, công nghiệp thiết kế; khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp; chú trọng vào việc xây dựng nhà xưởng tiêu chuẩn và nhà xưởng cao tầng nhằm đáp ứng việc thu hút đầu tư trong bối cảnh quỹ đất khu công nghiệp ngày càng hạn hẹp.

Ban quản lý cũng sẽ tập trung tạo quỹ đất để sẵn sàng thu hút đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất; chú trọng bảo vệ môi trường bền vững, quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng… Đồng thời, triển khai đề án "Định hướng phát triển các khu chế xuất và công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2040" sau khi được lãnh đạo thành phố thông qua…

Ngoài ra, ban quản lý sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ban ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, giảm thâm dụng lao động, chuyển từ hoạt động gia công lắp ráp sang hoạt động thiết kế, sản xuất, xuất khẩu.

Từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng trong và ngoài nước, hướng đến bảo vệ môi trường bền vững và phù hợp với sử dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật ngày càng cao, thông qua chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ vay đối với doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ.

Cùng với các nhóm giải pháp trên, ban quản lý sẽ tăng cường xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa; chăm lo đời sống người lao động; giữ vững an ninh trật tự tại các khu chế xuất, khu công nghiệp; phòng chống hiệu quả dịch COVID-19. Cùng đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; hoàn thiện mô hình cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ” và đẩy mạnh cải cách hành chính...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm