Đây là nội dung được một số chuyên gia nêu ra tại Tọa đàm “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh gắn với các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược thuộc Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội” do Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh tổ chức sáng 12/3.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh có rất nhiều ngành công nghiệp nhưng chưa có những “sếu đầu đàn” trong từng ngành để phát triển doanh nghiệp trong nước. Nếu nói đến bất động sản có nhiều “sếu đầu đàn” nhưng nói đến công nghiệp lại rất hiếm doanh nghiệp trong nước.
Ông Trần Du Lịch cho rằng, trong giai đoạn mới, vành đai công nghiệp đô thị vùng Đông Nam bộ sẽ theo đường Vành đai 4 để đi về cảng Cái Mép – Thị Vải. Đất dự trữ công nghiệp vùng này còn nhiều và các tỉnh như Tây Ninh, Bình Phước sẽ có lợi thế. Tp. Hồ Chí Minh phải xác định được ngành công nghiệp nào là chủ lực, gắn với vùng Đông Nam bộ, bởi thành phố không có lợi thế phát triển công nghiệp như các tỉnh lân cận. Do đó, việc Tp. Hồ Chí Minh chọn lĩnh vực nào, ở chỗ nào là bài toán rất lớn; cần làm rõ những ngành đầu tư có lợi thế, làm sao thu hút nhà đầu tư chiến lược theo Nghị quyết 98/2023/QH15.
Cùng góc nhìn trên, Tiến sĩ Phan Thụy Kiều (Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố) đánh giá: Tp. Hồ Chí Minh chưa có nhiều doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn đầu đàn để dẫn dắt doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng trên 90% nên bị hạn chế rất nhiều về vốn để đầu tư vào công nghệ, nghiên cứu phát triển sản phẩm, dẫn đến không đủ nguồn lực để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo Tiến sĩ Phan Thụy Kiều, sản xuất công nghiệp nói chung và 4 ngành công nghiệp trọng yếu nói riêng có sự phát triển tương đối tốt nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Các khu công nghiệp – khu chế xuất của thành phố được hình thành sớm nên chưa phát triển được các cụm liên kết ngành, các khu công nghiệp - chế xuất chuyên ngành. Thành phố cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp dịch chuyển phân khúc sản xuất có giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị, bên cạnh các giải pháp đa dạng hóa nguồn cung để giảm thiểu tác động tiêu cực của chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Hiện nay, Tp. Hồ Chí Minh đang tái cơ cấu ngành công nghiệp hướng đến phát triển theo chiều sâu, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững. Các chuyên gia cho rằng, Thành phố cần hình thành các khu vực sản xuất tập trung theo từng ngành đối với một số sản phẩm trong các ngành công nghiệp ưu tiên, chủ lực theo lợi thế cạnh tranh, chuyên môn hóa và chuỗi giá trị... nhằm nâng cao giá trị gia tăng và khả năng tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu; gắn kết xây dựng một số doanh nghiệp có quy mô lớn, có sức cạnh trên thị trường khu vực và thế giới.
Nhóm nghiên cứu “Định hướng phát triển công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” cũng đưa ra gợi ý về quy hoạch phát triển công nghiệp chủ lực thành phố thành ba vùng. Cụ thể, Vùng lõi gồm thành phố Thủ Đức và Quận 7 là phát triển các ngành công nghiệp điện tử, cơ khí, kim loại đúc sẵn tập trung tại các khu công nghiệp đã quy hoạch.
Vùng ngoại vi bao gồm Nhà Bè, Tân Bình, Tân Phú, quận 12, Bình Tân là các ngành sản xuất thiết bị điện, sản xuất trang phục, dệt may, da giày và các ngành công nghiệp khác tập trung tại các khu công nghiệp đã quy hoạch. Vùng ven gồm Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn là các ngành công nghiệp hóa dược - dược liệu; công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống tập trung ở khu liền kề các tỉnh lân cận.
Nhiều ý kiến tại tọa đàm cũng cho rằng, Tp. Hồ Chí Minh có thể đầu tư ra các tỉnh lân cận, nhất là vùng Đông Nam bộ, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam để tận dụng nguồn lực, chi phí đầu tư thấp. Thành phố phát triển quỹ đất công nghiệp hiện tại ưu tiên phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chủ lực ưu tiên phát triển.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung (Sở Quy hoạch Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh), kéo dài các trục đường động lực vượt ranh giới hành chính sẽ gia tăng cơ hội phát triển đô thị và bổ sung kết nối giữa các tuyến vành đai nhằm hỗ trợ các khu vực sản xuất. Thành phố cũng có thể đón nhận mọi cơ hội với quỹ đất sản xuất kinh doanh được gia tăng, nhất là dọc Vành đai 3 và cao tốc Bến Lức – Long Thành.