Bất động sản

TP HCM có hơn 54.000 bất động sản tồn kho

Theo báo cáo về thị trường bất động sản 11 tháng đầu năm của Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), 8 năm qua thành phố có 138 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư. Song, thực tế chỉ 52 dự án xây dựng, quy mô 35.556 căn hộ và 6.081 nhà thấp tầng.

Như vậy, TP HCM còn 86 dự án nhà thương mại đã được chấp nhận chủ trương đầu tư nhưng chưa thi công hoặc ngừng thi công (tồn kho). Trong đó, 30 dự án ngừng thi công, với 21.676 căn nhà, quy mô sử dụng đất trên 210 ha. 56 dự án còn lại chưa khởi công xây dựng, quy mô đất trên 754 ha với 32.375 căn.

Có dự án đang giải phóng mặt bằng như Khu trung tâm dân cư Tân Tạo - Khu A, quận Bình Tân, quy mô diện tích đất gần 330 ha.

Tổng cộng, TP HCM đang có hơn 54.000 căn (gồm 46.986 căn hộ và 7.065 nhà thấp tầng) tồn kho, theo HoREA.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhận định việc tồn kho lượng lớn dự án dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực, lãng phí tài nguyên đất và vi phạm nguyên tắc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả của Luật Đất đai. Các chủ đầu tư của 86 dự án trên trong tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan", mất cơ hội kinh doanh, bị chôn vốn.

Ngoài ra, hơn 54.000 sản phẩm nhà ở tồn kho cũng làm nghiêm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở, gây mất cân đối cung - cầu. Việc này dẫn đến thành phố nhiều năm nay lệch pha về phân khúc nhà ở cao cấp, thiếu nhà bình dân. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá nhà tăng liên tục, vượt quá sức mua của người thu nhập trung bình, thấp.

Bất động sản trung tâm TP HCM, khu vực ven sông Sài Gòn, tháng 10/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

HoREA cho rằng nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiều dự án nhà ở tại TP HCM tồn kho kéo dài chủ yếu vì gặp vướng mắc pháp lý. Luật Đất đai 2024 và các luật liên quan bất động sản (Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản) được sửa đổi, nhưng thường có độ trễ và cần thời gian để các quy định thẩm thấu vào thị trường. Quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng, thực hiện dự án vẫn phải qua nhiều khâu, công đoạn nên mất thêm thời gian xem xét.

Để đẩy nhanh giải phóng hàng tồn kho cho 86 dự án trên, HoREA đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư. Chẳng hạn, nhà chức trách cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các dự án bị vướng pháp lý nhiều năm qua tại TP HCM.

Bất động sản là ngành chịu áp lực đáo hạn trái phiếu lớn nhất, khoảng 180.000 tỷ đồng trong 2025. Để đảm bảo an toàn thị trường tài chính, HoREA kiến nghị Bộ Tài chính có chính sách hỗ trợ công ty bất động sản khó khăn trong gia hạn trái phiếu theo Nghị định 08 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.

11 tháng đầu năm, thị trường bất động sản thành phố phục hồi tích cực, tăng khoảng 9%. Tổng doanh thu thị trường 418.110 tỷ đồng, trong đó trên 60% là thu từ kinh doanh bất động sản.

Thành phố thu hơn 17.000 tỷ đồng từ đất đai, tính tới cuối tháng 10, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, so với con số dự thu gần 48.600 tỷ đồng từ nhà đất của Hà Nội, đà phục hồi của TP HCM vẫn khá chậm.

Hai năm qua, TP HCM có 64 dự án bất động sản của 57 doanh nghiệp gặp vướng mắc pháp lý kéo dài nhiều năm. Các dự án được chia thành 3 nhóm gồm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại không thuộc diện phải rà soát pháp lý và nhà ở thương mại bị thanh tra, kiểm tra. Đến tháng 7/2023, 30 dự án được Tổ công tác tháo gỡ khó khăn của thành phố xem xét, giải quyết, trong đó 9 dự án đã được gỡ vướng pháp lý. Các dự án còn lại, UBND TP HCM giao Sở Kế hoạch & Đầu tư chủ trì giải quyết.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm