Xã hội

TP.HCM tinh giảm hơn 2.500 cán bộ, công chức mỗi năm

Tóm tắt:
  • Ngày 18.4, HĐND TP.HCM thông qua 17 nghị quyết, gồm 8 nghị quyết về sắp xếp bộ máy hành chính.
  • TP.HCM sẽ giảm số lượng đơn vị hành chính từ 273 xuống 102, tái cấu trúc các phường.
  • Kỳ họp cũng đồng ý hợp nhất tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và TP.HCM thành TP.HCM.
  • Sau sáp nhập, TP.HCM sẽ có 168 phường, xã, đặc khu và dôi dư hơn 22.300 cán bộ, công chức.
  • Các dự án đầu tư công như Vành đai 4 và cầu Bình Tiên sẽ được triển khai với tổng đầu tư lớn.

Ngày 18.4, kỳ họp chuyên đề của HĐND TP.HCM thông qua 17 nghị quyết, bao gồm 8 nghị quyết liên quan đến công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Cụ thể, HĐND TP.HCM tán thành chủ trương sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã. TP.HCM sáp nhập từ 273 đơn vị hành chính xuống còn 102 đơn vị, trong đó có các phường Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định. Cụ thể, TP.Thủ Đức giảm còn 12 phường, H.Bình Chánh và H.Củ Chi còn 7 phường; Q.Gò Vấp và Q.Tân Bình còn 6 phường; Q.Tân Phú, Q.Bình Thạnh, Q.Bình Tân và Q.12 còn 5 phường; Q.1, Q.6, Q.7, Q.11, H.Hóc Môn, H.Cần Giờ còn 4 phường; Q.3, Q.4, Q.5, Q.8, Q.10, Q.Phú Nhuận còn 3 phường và H.Nhà Bè còn 2 phường.

Kỳ họp cũng tán thành chủ trương hợp nhất tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và TP.HCM, lấy tên là TP.HCM, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại TP.HCM hiện nay. Như vậy, sau sáp nhập, TP.HCM mới có 168 phường, xã, đặc khu.

Sau khi sắp xếp bộ máy mới, TP.HCM sẽ dôi dư hơn 22.300 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách. Trong đó, hơn 9.700 người hoạt động không chuyên trách tinh giảm ngay trong năm 2025, còn 12.600 cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện giải quyết theo lộ trình đến năm 2029, trung bình hơn 2.500 người/năm. HĐND TP.HCM cũng quyết định bãi bỏ chính sách hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính. Chính sách hỗ trợ thêm được HĐND TP.HCM ban hành gần 2 tháng trước, nhưng phải hủy bỏ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 67 hồi giữa tháng 3.2025.

Ở lĩnh vực đầu tư công, các đại biểu thống nhất chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM và thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh). Toàn tuyến Vành đai 4 TP.HCM dài 159,3 km, đi qua TP.HCM và các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An và Bình Dương, tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 khoảng 120.412 tỉ đồng. Dự án này thuộc thẩm quyền phê duyệt của Quốc hội. Trong khi đó, dự án cầu đường Bình Tiên đi qua Q.6, Q.8 và H.Bình Chánh, tổng chiều dài tuyến hơn 3,6 km, tổng mức đầu tư dự án 6.285 tỉ đồng. Dự kiến, công tác bồi thường bắt đầu từ quý 3/2025 và khởi công trong quý 1/2026.

Các tin khác

Có cần thiết uống sữa?

Chế độ ăn của người Việt chỉ đáp ứng 50% nhu cầu canxi hàng ngày cơ thể, nên bổ sung bằng sữa có nhiều canxi trừ khi cơ địa dị ứng với sữa bò hay không dung nạp lactose.