Thu hồi đến 90 - 95% vật liệu trong pin
Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) vừa chính thức trình UBND TP đề án "Chuyển đổi xe 2 bánh từ xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng" đối với 400.000 xe trên địa bàn. Trong đó, đề xuất lộ trình chi tiết cùng các giải pháp hỗ trợ tài chính cho tài xế chuyển đổi phương tiện và thúc đẩy mạng lưới hạ tầng trạm sạc trên toàn TP. Đáng chú ý, HIDS đưa phương án đào tạo các kỹ thuật viên EV (xe điện) cũng như tái chế pin nhằm hỗ trợ hơn 400.000 xe máy điện nói trên. Trong đó, TP sẽ thành lập trung tâm "Battery-as-a-Service" và xưởng tái chế pin đạt chuẩn châu Âu giúp tái sử dụng, thu hồi kim loại quý, giảm thiểu rủi ro môi trường và phát triển chuỗi giá trị công nghiệp xanh; đào tạo kỹ thuật viên EV với quy mô lớn đáp ứng nhu cầu hậu mãi, tránh điểm nghẽn về nguồn nhân lực.

Pin trên ô tô điện VinFast
Ảnh: V.F
Trao đổi kỹ hơn về trung tâm tái chế pin, đại diện HIDS cho biết lượng pin thải sau chuyển đổi sẽ rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro môi trường nên cần có giải pháp kiểm soát và xử lý hiệu quả. Hiện nay, VN đã có nhà máy sản xuất pin xe điện đặt tại Hà Tĩnh, với quy mô đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng và đã ký kết hợp tác với Li-Cycle (doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tái chế pin). Việc ký kết này bao gồm các giải pháp cung ứng và tái chế pin, đồng thời mở ra khả năng đầu tư hệ thống tái chế tại VN trong tương lai, khi lượng pin bắt đầu hết vòng đời sử dụng. Trong trường hợp không đầu tư tại chỗ, đối tác Li-Cycle có thể áp dụng công nghệ xử lý pin điện tại khu vực Đông Nam Á hoặc toàn cầu.
Theo HIDS, hiện nay, công nghệ tái chế pin đã phát triển mạnh, cho phép thu hồi đến 90 - 95% vật liệu trong pin, thu hút sự quan tâm đầu tư của cả nhà nước lẫn doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giải pháp kéo dài tuổi thọ và "vòng đời thứ hai" của pin điện cũng đang được chú trọng. Đối với đề án chuyển đổi 400.000 tài xế công nghệ sang xe điện, HIDS đề xuất xây dựng trung tâm tái chế pin với công suất khoảng 3.000 tấn/năm, có khả năng thu hồi đến 95% kim loại quý. Nếu nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn, TP.HCM sẽ có cơ chế hỗ trợ như cho vay ưu đãi hoặc sử dụng quỹ bảo vệ môi trường để tài trợ.
Song song, đơn vị này cũng đề xuất Sở KH-CN TP.HCM phối hợp Sở Công thương sớm xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc thu gom, xử lý pin cũ, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật ngay từ đầu để đảm bảo quy trình minh bạch, rõ ràng và giám sát chặt chẽ.
"Theo quy định của luật Bảo vệ môi trường năm 2020, từ ngày 1.1.2024, các đơn vị sản xuất pin phải đóng phí tái chế. Tuy nhiên, nếu có nhà máy tái chế, doanh nghiệp có thể được nợ lại khoản phí này, đồng thời chịu trách nhiệm thu hồi, xử lý pin sau sử dụng. Ngược lại, các đơn vị không tự sản xuất sẽ phải đóng phí môi trường để nhà nước dùng nguồn này hỗ trợ cho các cơ sở tái chế đạt chuẩn. Chúng tôi kỳ vọng trong 10 năm tới sẽ hình thành được hệ thống nhà máy tái chế hiện đại, góp phần giảm thiểu rủi ro ô nhiễm và phát triển môi trường xanh", đại diện HIDS thông tin.
Vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tăng hiệu quả kinh tế
Trên thế giới, kế hoạch xử lý pin xe điện hết vòng đời luôn là bài toán đầu tiên được chính phủ các nước đặt ra ngay từ khi bắt đầu công cuộc chuyển đổi giao thông xanh. Bởi không giống các phương tiện chạy bằng xăng, pin xe điện vẫn còn giá trị đáng kể ngay cả khi không còn đủ hiệu suất cho xe. Những viên pin đã qua sử dụng, đặc biệt là loại có quãng đường di chuyển cao, đang trở thành nguồn nguyên liệu quý giá cho ngành tái chế và tái sử dụng. Một nghiên cứu của MDPI (một nhà xuất bản học thuật quốc tế) chỉ ra rằng trên lý thuyết, việc tái chế pin hết hạn sử dụng sẽ giúp tiết kiệm gần 51,3% nguyên vật liệu để sản xuất pin mới. Dưới góc độ môi trường, lượng khí thải CO2 và mức tiêu thụ năng lượng khi tái chế pin có thể giảm tới 70% so với việc khai thác và tinh chế từ nguyên liệu thô tại các mỏ quặng. Về hiệu quả kinh tế, việc tái chế pin xe điện sẽ góp phần giúp các quốc gia thực hiện đúng cam kết tại COP28.

Việc tái sử dụng pin xe điện sẽ giúp giảm số lượng pin mới cần thiết
Ảnh: V.F
Để phát triển hoạt động tái chế pin xe điện, từ năm 2021, bang California của Mỹ đã ban hành luật yêu cầu các nhà sản xuất phải cung cấp cho bên tái chế quyền truy cập dữ liệu và tình trạng "sức khỏe" của pin. Tương tự, Liên minh Châu Âu yêu cầu tất cả pin xe điện phải có "hộ chiếu kỹ thuật số" từ tháng 1.2027, cho phép truy cập dữ liệu về tình trạng "sức khỏe", thành phần hóa học của pin và hồ sơ về các sự kiện có khả năng gây hại như tai nạn hoặc sạc ở nhiệt độ khắc nghiệt. Cùng với sự bùng nổ của xe điện, thị trường tái chế pin toàn cầu dự kiến sẽ đạt giá trị 52 tỉ USD vào năm 2045, trong khi ngành công nghiệp pin tái chế dự kiến sẽ đạt 5,2 tỉ USD vào năm 2035.
Tại VN, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết để đạt được mục tiêu về tỷ lệ thâm nhập của xe điện, nước ta sẽ cần tới 0,8 triệu thiết bị sạc và 2 triệu pin vào năm 2030. Dự kiến, đến năm 2040 nhu cầu đạt gần 5 triệu pin theo lộ trình, để hỗ trợ mục tiêu về tỷ lệ thâm nhập 100% của xe điện trong hầu hết các phân khúc phương tiện đường bộ tại VN. Về tổng dung lượng pin, nhu cầu dự kiến là khoảng 100 GWh vào năm 2030, 360 GWh vào năm 2040 và 1.170 GWh vào năm 2050. Đối với xe máy điện, thời gian sử dụng pin thường là 5 năm, 7 năm hoặc 10 năm (tùy theo tiêu chuẩn pin của từng hãng sản xuất); với xe ô tô điện, vòng đời pin thường kéo dài từ 10 đến 15 năm, thậm chí 20 năm. Do vậy, trong khoảng 10 năm tới, khi số lượng pin xe máy điện, ô tô điện thải bỏ với số lượng lớn, thì việc thu hồi và xử lý là thách thức không nhỏ.
Theo Bộ KH-CN, VN là một trong số rất ít các quốc gia trong khu vực và trên thế giới có năng lực sản xuất được pin cho xe gắn máy và ô tô. VN cũng đã xây dựng và hoàn thiện cơ bản các hệ thống tiêu chuẩn cho xe máy điện; ô tô điện liên quan đến trạm sạc và các hệ thống an toàn trạm sạc. Tuy nhiên, vấn đề tái chế, tái sử dụng pin thì hiện vẫn còn là vấn đề mới. Mặc dù chúng ta đã có quy định về phí tái chế pin từ năm 2024, nhưng chưa có hướng dẫn chi tiết về việc thu gom, vận chuyển và tái chế pin thải, đặc biệt là pin đã qua sử dụng từ xe điện. Bộ KH-CN đã có ý kiến với Bộ NN-MT khởi động việc xây dựng các quy chuẩn trong tái chế, tái sử dụng pin cho xe gắn máy điện, ô tô điện ở VN để xây dựng một hệ sinh thái tuần hoàn trong quá trình sử dụng xe điện.
Bộ KH-CN sẽ sớm trình Chính phủ ban hành hệ thống tiêu chuẩn pin sử dụng cho xe điện; xây dựng tiêu chuẩn tái chế, tái sử dụng pin để kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà sản xuất đánh giá chất lượng, thời gian sử dụng pin tái chế trong quá trình sản xuất và sử dụng; tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư khoa học, công nghệ vào sản xuất pin, tái chế pin điện tại VN.