Kinh doanh

10 tháng bán trên sàn, doanh thu tăng từ 1.000 USD lên 7 chữ số

Trạng thái mới của xuất khẩu

Là dân kỹ thuật và chưa từng nghĩ mình có khả năng bán hàng, nhưng CEO & Founder Zonone, ông Henry Nguyễn, đã đạt được những thành công nhất định khi bước chân vào lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến.

Sản phẩm thực phẩm do Zonone phân phối bắt đầu xuất hiện trên Amazon vào quý IV/2024. Thời điểm đó, doanh thu chỉ khoảng 1.000 USD/tháng. Tới tháng 7/2025, tức sau 10 tháng, doanh thu của công ty đã đạt 7 chữ số.

Câu chuyện trên được Henry Nguyễn chia sẻ tại bàn tròn thảo luận “Bứt phá xuất khẩu - nâng tầm giá trị thương hiệu Việt”, diễn ra ngày 25/7 tại TPHCM, tạo động lực cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khác.

Còn bà Sao Lonsdale, Tổng giám đốc LixiBox, cho hay, trong chiến dịch “Ngày của Mẹ” hồi tháng 5 vừa qua, một dòng sản phẩm của LixiBox đã đạt được các danh hiệu như “Overall Pick” và “Best Seller” trên Amazon. Đây là sự ghi nhận mà các đơn vị kinh doanh trên sàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới đều muốn.

Ảnh 1 (1).jpg
Bàn tròn thảo luận “Bứt phá xuất khẩu - nâng tầm giá trị thương hiệu Việt” ngày 24/7. Ảnh: BTC

Có thể thấy, sự phát triển của thương mại điện tử đang tạo ra những thay đổi nhanh chóng trong hoạt động xuất khẩu, chuyển đổi trạng thái từ chuỗi xuất khẩu truyền thống sang xuất khẩu trực tuyến.

Trong mô hình truyền thống, hàng hóa phải đi qua nhiều khâu trung gian: từ nhà sản xuất đến đơn vị xuất khẩu, qua nhà nhập khẩu, đại lý bán sỉ, bán lẻ rồi mới đến tay người tiêu dùng.

Trong khi đó, xuất khẩu trực tuyến đã tinh gọn quy trình, đưa sản phẩm từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng toàn cầu thông qua sàn thương mại điện tử.

Theo thống kê từ Amazon, số lượng sản phẩm được bán bởi các đối tác Việt Nam trên cửa hàng của sàn đã tăng 300% trong 5 năm. Số lượng đối tác bán hàng Việt Nam đăng ký thương hiệu trên sàn này cũng tăng hơn 35 lần trong cùng thời gian. Trong đó, top 5 ngành hàng có tăng trưởng cao nhất là chăm sóc cá nhân, nhà cửa, nhà bếp, may mặc, làm đẹp.

Nói về lợi thế của thương mại điện tử xuyên biên giới, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dh Foods, ông Nguyễn Trung Dũng, ước tính, chi phí để doanh nghiệp tham gia một triển lãm quốc tế để giới thiệu sản phẩm có thể tốn từ 200-500 triệu đồng. Nếu đi một chuỗi triển lãm, doanh nghiệp cần chi tới vài tỷ đồng/năm. 

Tuy nhiên, khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp nhận ngay được phản hồi thực tế từ người sử dụng sản phẩm. Từ đó, doanh nghiệp ghi nhận và có sự điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp thị trường. 

“Khi không còn tiền để đi xúc tiến thương mại, Amazon là kênh đưa sản phẩm đến tận tay 300 triệu người tiêu dùng ở Mỹ, trong đó có khoảng 30 triệu người gốc Á và 3 triệu người gốc Việt. Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam tốt hơn so với Thái Lan, Hàn Quốc và hoàn toàn có thể tận dụng kênh bán hàng trực tuyến để tăng doanh thu”, ông nói.

‘Tại sao không đứng trên đôi chân của chính mình?’

Nếu chỉ nhìn vào những con số tăng trưởng, hoạt động xuất khẩu trên sàn thương mại điện tử có vẻ dễ dàng. Nhưng kinh doanh không phải vậy. 

"Giá cả là yếu tố quan trọng trong thương mại điện tử, nhưng chính chất lượng sản phẩm mới là thứ giữ chân khách hàng và tạo nên giá trị bền vững”, bà Trương Nguyễn Diệp Anh, Trưởng phòng Marketing và Bán hàng, Công ty TNHH Gỗ Hoàng Thông, chia sẻ.

Anh 2.jpg
Ngành gỗ Việt Nam đang chủ động trong chuỗi cung ứng. Ảnh minh họa: Tuấn Kiệt

Kể về quá trình điều chỉnh sản phẩm từng chút một để phù hợp thị hiếu tiêu dùng, bà cho hay, thời gian đầu, Gỗ Hoàng Thông đăng bán những kiện hàng nhỏ để nhận đánh giá từ khách hàng nước ngoài. Từ đó, công ty thu thập các nhận xét, phê bình để tránh lặp lại trong thiết kế sản phẩm mới.

Công ty đã biến những đánh giá 1 sao thành cơ hội thấu hiểu thị hiếu người tiêu dùng, từ đó điều chỉnh và hoàn thiện thiết kế sản phẩm.

Kết quả, dù mới xuất hiện trên sàn Amazon từ tháng 3/2025, nhưng công ty đang cung cấp hàng nghìn đơn hàng tới nhiều bang của Mỹ. Trong đó, mặt hàng vốn cồng kềnh và nặng là giường ngủ, tủ đồ, kệ sách, cũng được doanh nghiệp đóng kiện, xuất khẩu trực tuyến.

Đặc biệt, khi nhận hàng, người tiêu dùng cuối hoàn toàn có thể tự ghép sản phẩm trong thời gian dưới 20 phút với đơn hàng có trọng lượng dưới 100 pounds (hơn 45kg). Đơn hàng trên 100 pounds sẽ có mã QR cung cấp clip hướng dẫn lắp ráp.

“Chúng tôi đóng vai người mua sản phẩm và tự tay lắp sản phẩm của mình để trải nghiệm. Sản phẩm hướng đến ít linh kiện, chi tiết nhất có thể. Với chiếc giường, khách hàng không cần sử dụng công cụ hỗ trợ mà chỉ dựa trên cấu trúc sản phẩm để lắp thành hình”, bà Diệp Anh nói. 

Với cải tiến trên, sản phẩm nội thất “made in Vietnam” đã thành công khi hướng vào tệp người dùng từ 25-45 tuổi. Họ có gia đình nhỏ và thích thay đổi chỗ ở. Mỗi lần chuyển nhà, họ có thể tự tháo đồ đạc dễ dàng, rồi tái sử dụng sản phẩm trong ngôi nhà mới. Cách thức này giúp tiết kiệm chi phí cho người dùng, đồng thời, hạn chế thải rác ra môi trường.

“Thương hiệu không phải là những gì chúng ta tự nói về mình. Thương hiệu là điều người tiêu dùng cuối cùng nói về chính chúng ta”, đại diện Gỗ Hoàng Thông chia sẻ kinh nghiệm thành công. 

Theo ông Trần Lam Sơn, Founder Công ty Thiên Minh Furniture, sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu đã đạt trên 85% tỷ lệ nội địa hoá. Đồ nội thất gỗ Việt Nam đang chủ động trong chuỗi cung ứng.

Ông kể lại, cách đây 2 năm, có những vị khách người Trung Quốc đã tới công ty của ông để tìm kiếm nguồn hàng. Họ cũng muốn bán hàng trên Amazon. Lúc đó, ông Sơn tự hỏi: “Tại sao chúng ta không đứng trên đôi chân của chính mình: Tự sản xuất hàng và xuất khẩu"?

“Bây giờ chính là thời điểm đó. Thời điểm gia tăng giá trị cho ngành gỗ”, vị doanh nhân nói.

Các tin khác

Giá vàng tiếp tục giảm

Sáng nay (27/7), giá vàng SJC “neo” ở mốc 121,1 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng từ đầu tuần đến nay.