Hai ngành tỉ USD kiến nghị bỏ thuế VAT
Năm 2024, xuất khẩu gạo đạt con số kỷ lục trên 9 triệu tấn và giá trị gần 5,7 tỉ USD; trong 6 tháng đầu năm 2025, đạt trên 4,7 triệu tấn và kim ngạch 2,45 tỉ USD. Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), mặt hàng gạo xuất khẩu cũng thuộc nhóm chịu thuế suất 5% được Quốc hội thông qua năm 2024; chính thức có hiệu lực ngày 1.7.2025.

Hiệp hội Lương thực VN và Hiệp hội Cà phê ca cao VN kiến nghị bỏ thuế VAT với 2 mặt hàng này
Ảnh: Công Hân - Hoàng Nguyễn
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VFA, nói việc áp dụng mức thuế suất VAT 5% làm gia tăng nguồn vốn và chi phí sản xuất của doanh nghiệp do phải nộp thuế. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng không giải ngân phần thuế này khi cấp vốn lưu động. Điều này vô tình gây áp lực tài chính và làm giảm hiệu quả kinh doanh. Đó là chưa kể việc áp thuế cũng có khả năng tạo ra những kẽ hở để một số đối tượng chiếm dụng thuế, gây thất thoát ngân sách, khiến quá trình hoàn thuế của doanh nghiệp xuất khẩu bị ách tắc. Vì thế, ông kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa mặt hàng gạo vào danh mục hàng hóa không chịu thuế VAT nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành hàng này. Qua đó, duy trì năng lực cạnh tranh của gạo Việt trên thị trường quốc tế.
Tương tự với cà phê, năm 2024 xuất khẩu trên 1,3 triệu tấn mang về 5,7 tỉ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2025, lượng xuất khẩu đạt gần 1 triệu tấn và kim ngạch đã đạt tới 5,5 tỉ USD, tăng gần 5% về lượng và 66% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Trong công văn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao VN (VICOFA), phân tích: Thực tế, trước năm 2013, khi thực hiện luật Thuế VAT năm 2008, cà phê nhân là mặt hàng chịu thuế 5%. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có nhiều bất cập phát sinh khi một số đối tượng trục lợi, gian lận gây thiệt hại ngân sách cũng như gây khó khăn cho những doanh nghiệp xuất khẩu chân chính. Do vậy, năm 2013, Chính phủ đã đồng ý bỏ áp dụng thuế VAT với mặt hàng này.
Tuy nhiên, theo quy định mới thì từ ngày 1.7.2025, cà phê nhân lại một lần nữa thuộc diện phải chịu thuế VAT 5%.
Theo văn bản của VICOFA, hiện nay trên 85% tổng sản lượng cà phê nhân VN hằng năm được xuất khẩu; còn lại là tiêu thụ nội địa. Do vậy, hầu như lượng cà phê nhân đóng thuế VAT đều được hoàn thuế nên không đóng góp nhiều cho nguồn thu ngân sách nhà nước. Việc thu thuế VAT 5% rồi sau đó lại thực hiện hoàn thuế sẽ phát sinh thêm nhiều nhân sự của cơ quan thuế phục vụ cho việc hoàn thuế. Đồng thời cũng phát sinh nhiều chi phí, thủ tục hoàn thuế cho doanh nghiệp do thời gian và thủ tục hoàn thuế rất lâu và phức tạp. Bên cạnh đó, điều kiện hoàn thuế VAT người bán đã kê khai, nộp thuế theo quy định đối với hóa đơn đã xuất cho cơ sở kinh doanh đề nghị hoàn thuế. Quy định này gây rủi ro cao cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi mua hàng phải chờ đợi thời gian dài mới được hoàn thuế trong khi các doanh nghiệp mua hàng đã hoàn thành nghĩa vụ trả thuế VAT cho người bán.
Cũng giống như ngành hàng lúa gạo, theo ông Nguyễn Nam Hải, hiện nay, giá cà phê nhân đang ở mức trên 100.000 đồng/kg nên nhu cầu vốn cho kinh doanh xuất khẩu cà phê nhân tăng cao. Do đó, nếu áp dụng thêm 5% thuế VAT thì áp lực về vốn lại tăng thêm vì các doanh nghiệp phải đóng trước, hoàn sau. Mặt khác, Quốc hội vừa đồng ý giảm thuế VAT cho hầu hết các mặt hàng từ 10% xuống 8% đến hết năm 2026; do đó việc áp thuế 5% lên cà phê nhân xuất khẩu sẽ tạo nhiều áp lực về tài chính, chi phí, thủ tục… cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Từ đó, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-MT, Bộ Tài chính đưa sản phẩm cà phê nhân sống xuất khẩu vào danh mục không chịu thuế VAT.
Không nên "áp rồi hoàn" với gạo và cà phê
TS Trần Hữu Hiệp, Trường đại học FPT, nói thẳng việc áp thuế VAT 5% rồi hoàn thuế cho các mặt hàng chủ lực xuất khẩu như gạo và cà phê là không nên bởi cơ chế này không làm tăng nguồn thu ngân sách, mà còn tăng gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp lẫn cơ quan thuế. Hơn nữa, việc "hoàn thuế" dễ tạo ra kẽ hở để một số đối tượng lợi dụng gian lận, gây thất thoát ngân sách và tăng rủi ro cho các doanh nghiệp hoạt động chân chính.

Hiệp hội Lương thực VN và Hiệp hội Cà phê ca cao VN kiến nghị bỏ thuế VAT với 2 mặt hàng này
Ảnh: Công Hân - Hoàng Nguyễn
Trong thực tế, doanh nghiệp xuất khẩu phải nộp VAT 5% đầu vào rồi phần lớn lượng hàng xuất khẩu đều được hoàn lại, tức là không đóng thuế thực nhưng lại phải gồng mình chờ đợi hoàn thuế. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng không thanh toán phần thuế tạm nộp này, dẫn tới tăng vốn lưu động, kéo dài dòng tiền, giảm hiệu quả tài chính doanh nghiệp.
"Thuế VAT về bản chất là loại thuế gián thu, người tiêu dùng cuối cùng gánh chịu, thủ tục càng lòng vòng làm tăng chi phí và tiêu cực. Ngoài thuế VAT, nhà nước còn thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và các cơ chế khác từ hoạt động xuất khẩu. Một cơ chế thuế minh bạch, thuận thị trường, loại bỏ những thủ tục hình thức, giảm chi phí, thủ tục là cách bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh và nâng sức cạnh tranh của nông sản Việt", ông Hiệp nhấn mạnh.
Theo luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang: Trước đây luật thuế VAT có quy định doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ, còn sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế VAT. Ngày 28.10.2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình quy định này của luật hiện hành là không đúng nguyên tắc của thuế VAT, đó là chỉ được khấu trừ thuế VAT đầu vào trong trường hợp đầu ra là sản phẩm chịu thuế VAT. Tuy nhiên, chính sách này lại phát huy hiệu quả phòng tránh gian lận, hoàn thuế VAT trong xuất khẩu sản phẩm nông sản chưa chế biến, đặc biệt trong giai đoạn cách đây hơn 10 năm, khi các doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang áp dụng chế độ hóa đơn giấy tự tạo.
Hiện nay, chế độ hóa đơn giấy tự tạo đã được xóa bỏ; các doanh nghiệp đã chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử, có kết nối mạng trực tiếp. Cơ quan thuế có thể liên tục cập nhật các hóa đơn được phát hành, kịp thời theo dõi tình hình thu, nộp ngân sách, nâng cao chất lượng kiểm soát và khắc phục tình trạng gian lận hóa đơn. Trong điều kiện quản lý mới này, chính sách cho phép các doanh nghiệp không phải nộp thuế VAT đầu ra nhưng vẫn được khấu trừ thuế VAT đầu vào là không còn cần thiết và phù hợp. Bên cạnh đó, nếu bỏ quy định này cũng sẽ tạo điều kiện cho các địa phương sản xuất nông sản lớn như các tỉnh khu vực ĐBSCL tăng thêm nguồn thu ngân sách.
"Như vậy, việc không tính thuế VAT đầu ra đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế VAT đã chính thức bãi bỏ từ ngày 1.7.2025 như giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội", luật sư Trần Xoa nói.
Mâu thuẫn ngay trong Nghị định 181
Nghị định 181/2025/NĐ-CP ngày 1.7.2025 đề cập ở khoản 1 điều 4 cà phê nhân thuộc đối tượng không chịu thuế VAT. Nhưng ngược lại tại điều 19 quy định cà phê nhân lại thuộc mặt hàng chịu thuế VAT 5%. Do đó, các doanh nghiệp đang rất phân vân không biết áp dụng thế nào.