UBND TP.HCM vừa có văn bản giao Viện Nghiên cứu phát triển chủ trì nghiên cứu xây dựng dự thảo đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030, trình UBND TP quý IV năm 2023.
TP.HCM xây dựng đề án giúp cán bộ tiếp tục đồng hành cùng TP trong thời gian tới. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Đề án nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) tiếp tục phát huy, đồng hành cùng TP trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19 và những năm tiếp theo. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước, cải thiện môi trường công vụ đủ sức hấp dẫn và giữ chân nhân lực chất lượng cao cho khu vực công.
Đây là vấn đề được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhiều lần nhắc đến trong các hội nghị gần đây.
Thí điểm cán bộ làm việc tại nhà
Theo đó, TP.HCM xác định mục tiêu, tôn chỉ của nền công vụ hiện đại là “phụng sự nhân dân”, “kiến tạo phát triển”. Thực hiện tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho cán bộ về vai trò, sứ mệnh của mình khi làm việc cho TP.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhiều lần nhắc đến đề án này. Ảnh: HÀ THƯ
TP.HCM sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phân bổ biên chế phù hợp với đặc thù đô thị đặc biệt, gắn với việc thực hiện Nghị quyết 98.
Ở giải pháp này, TP.HCM sẽ thí điểm mô hình thuê nhân sự quản lý để giảm áp lực cho cán bộ tập trung nhiệm vụ chuyên môn chính được phân công.
Để hiện đại hoá nền công vụ, ngoài tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, TP.HCM sẽ nghiên cứu thí điểm cho phép cán bộ làm việc tại nhà.
Việc này áp dụng đối với cán bộ công tác ở các vị trí việc làm không tiếp xúc với công dân có thể đăng ký làm việc tại nhà với tỉ lệ phù hợp nếu đảm bảo các điều kiện vật chất đáp ứng yêu cầu công tác của đơn vị như điện thoại, máy vi tính, máy in, internet…
Đưa cán bộ lãnh đạo về cơ sở và ngược lại
Để xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển cán bộ.
Cụ thể, TP sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách và đẩy mạnh thu hút nhân lực chất lượng cao (chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt; sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao) vào làm việc trong bộ máy nhà nước của TP.
TP.HCM sẽ đưa lãnh đạo, quản lý về cơ sở và ngược lại để rèn luyện. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, thực thi công vụ theo từng vị trí, chức danh trong bộ máy. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về hoạch định chiến lược cho đội ngũ cán bộ ở các vị trí lãnh đạo, quản lý chủ chốt, các vị trí tham mưu chiến lược, xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Giai đoạn 2024-2025, TP.HCM khắc phục những hạn chế, tồn tại của nền công vụ và đội ngũ cán bộ. Xây dựng mục tiêu, tôn chỉ, nền tảng văn hóa công vụ, phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ.
Giai đoạn 2025-2030, TP.HCM xây dựng nền công vụ hiện đại, hiệu lực, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu đột phá phát triển TP trong thời đại mới. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo đủ về số lượng, có chất lượng cao, phong cách làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, đáp ứng yêu cầu của người dân, xã hội.
TP có giải pháp phát hiện, thu hút, lựa chọn, bổ nhiệm người thực sự có năng lực lãnh đạo, quản lý, có trình độ phù hợp; có phẩm chất chính trị, đạo đức đáp ứng vị trí cần bổ nhiệm. Thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ trẻ, tiềm năng, chuẩn bị tốt nhân sự cho các nhiệm kỳ tiếp theo.
Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án về luân chuyển cán bộ; đặc biệt là điều động, đưa lãnh đạo, quản lý về cơ sở và ngược lại để rèn luyện, tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch có môi trường để trau dồi, am hiểu thực tiễn.
TP.HCM đề ra nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ cán bộ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Dự kiến TP.HCM sẽ nghiên cứu, báo cáo Trung ương cho phép TP thí điểm tập sự lãnh đạo các cấp, trước mắt là lãnh đạo cấp phòng, cấp xã.
TP cũng sẽ thường xuyên rà soát, sắp xếp cơ cấu lại đội ngũ cán bộ để đưa ra khỏi bộ máy những trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện về sức khỏe, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức.
Khuyến khích về hưu trước tuổi đối với các cán bộ lãnh đạo, quản lý không thuộc đối tượng tinh giản biên chế nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc không đảm bảo sức khỏe.