Nội dung này được nêu trong Đề án sắp xếp, bố trí và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, người lao động (gọi chung là cán bộ, công chức) sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính của hệ thống chính trị do UBND TP.HCM vừa ban hành.
TP.HCM xác định nguyên tắc đánh giá gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.
Kết quả đánh giá là căn cứ để xác định đối tượng tinh giản ngay sau khi sắp xếp hoặc để thực hiện xếp loại chất lượng hằng năm, đồng thời xác định đối tượng tinh giản ở từng cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đánh giá.

Công chức phường 12 (quận 10, TP.HCM) giải quyết hồ sơ của người dân
ẢNH: NHẬT THỊNH
Tiêu chí, tiêu chuẩn và quá trình đánh giá phải khoa học, công bằng, khách quan, hợp lý, nhân văn, công khai, minh bạch, tập trung dân chủ; cơ sở đánh giá phải dựa trên kết quả công tác thực tế trong 3 năm gần nhất; có tính kế thừa và phát triển trong công tác cán bộ.
Đề án đưa ra yêu cầu tiêu chí đánh giá phải phù hợp với đặc thù của cơ quan, đơn vị; cụ thể hóa các tiêu chí thành phần, và tiêu chí phụ để phân định trong trường hợp kết quả đánh giá bằng nhau.
Tiêu chí thành phần phải cụ thể, dễ đánh giá, dễ xác định các mức phân loại theo hiệu quả công việc, trong đó tập trung trọng tâm vào tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ và sản phẩm công việc đầu ra trên cơ sở kế hoạch công tác và các công việc được giao đột xuất.
Về trình tự đánh giá, với trường hợp tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc thì người đứng đầu cơ quan căn cứ các tiêu chí đánh giá đã được ban hành, xem xét đánh giá phẩm chất, năng lực, trình độ, độ tuổi, khả năng đóng góp và nhu cầu của cơ quan, đơn vị để lập danh sách và dự toán số tiền thực hiện chính sách.
5 nhóm cán bộ, công chức phải tinh giảm
Đề án xác định 5 nhóm đối tượng chịu tác động: cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm hoặc có thời gian công tác từ 2,5 - 5 năm; người làm việc trong các hội quần chúng được Đảng, nhà nước giao nhiệm vụ; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động một số loại công việc trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
Vừa qua, TP.HCM tinh gọn bộ máy từ 21 sở xuống còn 16, từ 8 cơ quan hành chính khác còn 4, từ 35 đơn vị sự nghiệp công lập còn 32. Sắp tới, TP.HCM tiếp tục sáp nhập thêm một số cơ quan chuyên môn.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng dự kiến sáp nhập từ 273 phường, xã, thị trấn xuống còn 102 đơn vị để tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Riêng sắp xếp đơn vị hành chính, TP.HCM dôi dư hơn 11.000 cán bộ, công chức và người làm việc không chuyên trách.

TP.HCM dôi dư hơn 11.000 nhân sự khi sáp nhập cấp xã, bỏ cấp huyện
ẢNH: SỸ ĐÔNG
Đề án cũng đưa ra các giải pháp phát huy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tiếp tục công tác như sắp xếp trong nội bộ cơ quan, sắp xếp mở rộng trên toàn thành phố, tăng cường về cơ sở, cử đi đào tạo nâng cao trình độ, trọng dụng người có năng lực nổi trội...
Về lộ trình thực hiện, trong quý 1/2025, các cơ quan, đơn vị rà soát, lập danh sách những trường hợp không đủ điều kiện tiếp tục công tác, xây dựng lộ trình giải quyết chính sách.
Từ quý 2/2025, các đơn vị xây dựng đề án vị trí việc làm, xác định số lượng biên chế hưởng lương từ ngân sách, đồng thời tiếp tục đề xuất danh sách dôi dư, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm tối thiểu 4%/năm công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách.