Đây là sự kiện thường niên có quy mô quốc tế do UBND TP.HCM tổ chức với chủ đề năm nay là "Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển", sẽ diễn ra ngày 23 và 24-9.
Tại họp báo, ông Phạm Bình An, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, dẫn ra bối cảnh hiện nay của TP.HCM khi chọn chủ đề của diễn đàn. Ông An đánh giá TP.HCM là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước nhưng vị trí, vai trò trung tâm của thành phố đang giảm sút.
Ông An liệt kê thành phố có gần 300.000 doanh nghiệp, nhưng 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, tỉ lệ xuất khẩu của thành phố đang giảm sút, có thời kỳ xuất khẩu chiếm 45% cả nước, năm 2023 chỉ còn 12%.
Đóng góp tỉ trọng GDP từng 22-23%, chỉ còn 16% trong năm vừa qua; tỉ trọng đóng góp của ngành công nghiệp trong nền kinh tế giảm dần, năm 2022 chỉ còn chiếm 19% GRDP, so với trung bình cả nước là 32%.
Ngoài ra, TP.HCM những năm qua phát triển cơ bản theo chiều rộng, nên động lực tăng trưởng cạn dần. Hạ tầng công nghiệp hạn chế, diện tích đất khu công nghiệp chỉ chiếm 2,81% so cả nước, với giá đất ngày càng đắt đỏ.
"Do đó, TP.HCM cần tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi công nghiệp với nội hàm chuyển đổi kép và nâng cấp chuỗi giá trị, phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi, từ đó tìm kiếm động lực tăng trưởng mới", ông An nhấn mạnh.
Nếu như năm 2022, TP.HCM chọn chủ đề diễn đàn kinh tế là kinh tế số, năm 2023 là tăng trưởng xanh hành trình đến Net Zero, theo ông An năm nay chủ đề chuyển đổi công nghiệp là quá trình ứng dụng khoa học công nghệ thay đổi mô hình kinh doanh, hướng phát triển bền vững; tìm hướng cho các ngành có giá trị gia tăng cao.
Ông An đánh giá đây là xu hướng các nước trên thế giới, đang đặt ra tiêu chuẩn mới mà doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp TP.HCM không thể đứng ngoài cuộc, nếu không sẽ mất thị trường.
Ông Lê Trường Duy, tập sự phó giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, thông tin "sợi chỉ bạc" xuyên suốt của sự kiện là đối thoại hữu nghị và diễn đàn kinh tế, lấy cốt lõi là chuyển đổi công nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, thông tin Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5 năm 2024 diễn ra từ ngày 24 đến ngày 27-9 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM" với 1.500 khách mời trong và ngoài nước.
Hiện đã có 40 đoàn địa phương và bộ ngành quốc tế xác nhận tham dự diễn đàn năm nay đến từ 20 quốc gia, bao gồm: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Đức, Úc, Ý, Bồ Đào Nha, Belarus, Hungary, Uruguay….
Các hoạt động chính của Đối thoại Hữu nghị TP.HCM lần 2 và Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần 5, năm 2024:
- Sáng 23-9: Dâng hoa ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) và tham quan triển lãm xanh.
- Sáng 24-9: Tiệc trà hữu nghị và Hội nghị Thị trưởng.
- Chiều 24-9: Lễ công bố Biểu tượng hữu nghị quốc tế TP.HCM tại công viên bến Bạch Đằng (quận 1) và lễ khánh thành, lễ ra mắt Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại Khu công nghệ cao TP.HCM.
- Chiều 24-9: Chương trình biểu diễn dù lượn và khinh khí cầu bên bờ sông Sài Gòn.
- Ngày 25-9: Phiên đối thoại chính sách với Thủ tướng Chính phủ.