Doanh nghiệp

Top 500 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam: Viettel và FPT chia nhau ngôi vương

Viet Research vừa phối hợp cùng báo Đầu tư công bố Bảng Xếp hạng Top 500 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam (VBE500) năm 2022,nằm trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu toàn quốc về Nơi làm việc tốt nhất (Great Places to Work). Đây là danh sách những doanh nghiệp có thành tích xuất sắc nhất trong tạo việc làm, đãi ngộ người lao động và có kết quả kinh doanh cao, bền vững.

Top 500 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam: Viettel và FPT chia nhau ngôi vương - Ảnh 1.

(Nguồn: Chương trình VBE500 - Top 500 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam 2022)


Hai vị trí đầu tiên thuộc về các tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông.

Đứng đầu VBE500 là Tập đoàn công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) với thành tích giải quyết việc làm cho trên 40.000 lao động, với thu nhập trung bình tại công ty mẹ đạt khoảng 35 triệu đồng/nhân sự/tháng. Chiến lược quản lý nhân sự của Viettel gắn liền với chiến lược kinh doanh trong từng giai đoạn. Khi cần thiết và có sự thay đổi, sẵn sàng luân chuyển cán bộ để đào tạo, tìm kiếm và phát hiện ra nguồn nhân lực tốt, những cán bộ có tài năng cho những vị trí quan trọng và hơn hết, giúp cho nhân sự phát hiện ra được những khả năng của bản thân.

Top 500 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam: Viettel và FPT chia nhau ngôi vương - Ảnh 2.

FPT là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin có mặt trong Bảng xếp hạng VBE500 năm 2022 với nhân sự trên 35.000 người thu nhập trung bình khoảng 35 triệu đồng/nhân sự/tháng. Chiến lược nhân sự của FPT nhiều năm qua luôn gắn liền các chính sách đãi ngộ và văn hóa doanh nghiệp có chiều sâu gắn với việc tách rời cơ cấu tổ chức quản lý nhân sự cho từng phòng với chức năng riêng, đảm bảo bởi các chuyên gia, đã giúp cho FPT hoạt động chuyên nghiệp, thống nhất hơn và đảm bảo được sự vận hành trôi chảy trong hệ thống và khâu tổ chức nhân sự.

Top 500 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam: Viettel và FPT chia nhau ngôi vương - Ảnh 3.

Đứng thứ ba là đại diện từ nhóm ngành ngân hàng, cụ thể là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Vietcombank đang là nơi làm việc của hơn 20.000 nhân sự và thu nhập bình quân của người lao động là 32,68 triệu đồng/nhân sự/tháng. Công tác tuyển dụng của Vietcombank những năm qua được thị trường đánh giá cao và đã thu hút được một lượng nhân sự lớn có chất lượng, đáp ứng yêu cầu công việc. Một trong các mục tiêu chiến lược của Vietcombank là trở thành ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực được quản trị tốt theo thông lệ quốc tế.

Top 500 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam: Viettel và FPT chia nhau ngôi vương - Ảnh 4.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức công bố một số kết quả từ nghiên cứu của Viet Research về “Nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam: thực trạng và những thách thức hậu Covid” dựa trên kết quả điều tra tại các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VBE500 và người lao động.

Theo nghiên cứu, nhu cầu lao động đang trên đà tăng nhanh. Dự báo nhu cầu lao động nói chung sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm, ước đạt từ 800.000-900.000 người, trong đó nhu cầu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm đa số ước tính là khoảng 550.000-660.000 người (74%). 42% doanh nghiệp VBE500 tham gia khảo sát cũng cho biết nhu cầu tuyển dụng tăng đáng kể trong 9 tháng đầu năm 2022. Đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng lao động. Công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, ngân hàng… là những ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong VBE500.

Gần 40% các doanh nghiệp VBE tham gia khảo sát khẳng định có kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới cho những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, và có đến hơn 35% doanh nghiệp khẳng định sẽ tiếp tục giữ ổn định số lượng nhân viên công ty thông qua việc gia tăng chính sách và phúc lợi cho người lao động.

Về nhu cầu của người lao động trong các doanh nghiệp VBE500, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra sự thay đổi rõ nét trong các ưu tiên lựa chọn của người lao động về cơ hội việc làm và định hướng phát triển của bản thân.

Nếu như trước đại dịch, các yếu tố như chế độ đãi ngộ, các phúc lợi đi kèm luôn là điều kiện căn bản khi cân nhắc thì giờ đây trước áp lực cạnh tranh của thị trường lao động, bên cạnh các yếu tố này đã xuất hiện thêm nhiều đòi hỏi và tìm kiếm một nơi làm việc tốt, một nhà tuyển dụng có trách nhiệm với nhiều triển vọng phát triển, một môi trường làm việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc.

Trước sức ép cạnh tranh của thị trường lao động, trước xu thế ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong môi trường làm việc, người lao động cũng đã ý thức rõ nét hơn về việc chủ động hoàn thiện, trau dồi chuyên môn, kỷ luật và cập nhật kiến thức mới nhằm tránh bị tụt hậu.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm