Theo thống kê số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2022 của 29 ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu trung bình của các nhà băng đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2022 tăng 0,3 điểm % so với cuối năm trước lên 2,21%.
Trong đó, NCB là ngân hàng có tỷ lệ cao nhất khi tỷ lệ nợ xấu bất ngờ tăng vọt từ 3% vào cuối năm 2021 lên 11,05%. Nguyên nhân do nửa đầu năm 2022, khoản mục nợ xấu của ngân hàng tăng lên gấp gần 4 lần, từ 1.249 tỷ đồng lên 4.900 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng gần 15 lần và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng gấp 2,4 lần.
Đứng thứ 2 là VPBank với tỷ lệ nợ xấu là 5,25%, song đây là tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo tài chính hợp nhất, tức bao gồm của cả ngân hàng mẹ và công ty con là FE Credit. Nếu xét riêng tại ngân hàng mẹ, tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 2,83% với số dư nợ xấu là hơn 8.900 tỷ đồng,
Sau VPBank, Vietbank và Bao Viet Bank là hai nhà băng có tỷ lệ nợ xấu cao thứ ba và thứ tư với mức lần lượt là 3,91% và 3,63%
Những cái tên còn lại cũng góp mặt trong Top 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất tính đến cuối tháng 6 năm 2022 bao gồm Ngân hàng Bản Việt, PG Bank, SHB, VIB, ABBank và Agribank với tỷ lệ nợ xấu đều trên 2%.
Ở chiều ngược lại, Techcombank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong nhóm các ngân hàng khảo sát. Tỷ lệ nợ xấu cuối quý II của ngân hàng ở mức 0,6% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu 171,6%. Dư nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là 500 tỷ đồng, tương đương 0,1% tổng dư nợ, giảm từ mức 1.600 tỷ đồng ở thời điểm 31/3/2021.
Ngoài ra, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất còn có Vietcombank, Bac A Bank, ACB và TPBank. Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng này tính đến cuối tháng 6 đều dưới 1%.
Báo cáo của CTCP Chứng khoán SSI cho biết tỷ lệ nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng xấu đi trong quý đầu năm một phần là do việc phân loại lại các khoản nợ tái cơ cấu thành nợ nhóm 4 hoặc 5 sau khi hết thời hạn tái cơ cấu. Các khoản nợ tái cơ cấu này có thể sẽ tiếp tục tăng lên khi Thông tư 14 hết hạn (ngày 30/6/2022).
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong thời gian qua cũng là một trong những nguyên nhân khiến số dư nợ xấu tăng. Tính đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,35%, đạt trên 11,4 triệu tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ tăng 6,47%.
Đồng thời đã có tới hơn 709.000 tỷ đồng dư nợ đã được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng trong năm 2021