Doanh nghiệp

Tổng giám đốc PVD: PV Drilling đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất

Trong thông điệp gửi đến các cổ đông, đối tác, Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Cường cho biết từ những tín hiệu tích cực đối với PV Drilling trong quý IV/2022, cùng với giá cho thuê giàn khoan bình quân của năm 2023 dự kiến đã cải thiện so với năm 2022; các giàn khoan của PV Drilling dự kiến hoạt động xuyên suốt năm và rủi ro VND mất giá trong năm 2023 sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2022.

"Có thể thấy, PV Drilling đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất để tiếp tục cho một chu kỳ tăng trưởng bền vững", ông Cường cho hay.

Năm nay,  PV Drilling đặt ra kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu hợp nhất đạt 5.400 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 155 tỷ đồng). 

Dự kiến sáng ngày 26/4, PV Drilling sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ theo hình thức trực tuyến. Tại cuộc họp, HĐQT công ty sẽ trình cổ đông thông qua kết quả kinh doanh năm 2022, kế hoạch kinh doanh năm 2023, kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022 và 2023. 

(Nguồn: Đăng Nguyên tổng hợp từ báo cáo tài chính và báo cáo thường niên của PVD).  

(Nguồn: Đăng Nguyên tổng hợp từ báo cáo tài chính và báo cáo thường niên của PVD).  

Nhiều cơ hội tìm kiếm hợp đồng cho nhà thầu khoan dầu khí trong năm 2023

Ban điều hành PV Drilling còn cho biết, EIA dự báo nhu cầu dầu thế giới năm 2023 có thể tăng cao, giá dầu Brent thế giới dự báo đạt 92,36 USD/thùng nên các công ty dầu khí trên thế giới sẽ đầu tư mạnh cho lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khoan phát triển để chuẩn bị đón đầu chu kỳ tăng trưởng.

Ngoài ra, lĩnh vực giàn khoan tự nâng toàn cầu đang hướng tới một mức đỉnh mới sau 8 năm của một chu kỳ đi xuống nhờ nhu cầu tăng cao tại Trung Đông, Ấn Độ và Trung Quốc. Tính đến thời điểm đầu tháng 12/2022, Westwood đã ghi nhận số lượng lớn các chương trình khoan đang đấu thầu để tìm giàn tự nâng cho giai đoạn 2023 - 2024.

Đối với thị trường khoan tại Đông Nam Á, IHS Markit ước tính, nhu cầu giàn tự nâng trung bình sẽ ở mức 38,4 giàn vào năm 2023 (năm 2022 trung bình là 32,4 giàn). Hai động lực chính đến từ thị trường Indonesia và Malaysia với nhu cầu năm 2023 dự báo đạt lần lượt là 10,1 giàn và 10,4 giàn.

Nguồn cung các giàn khoan tự nâng ở Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị thắt chặt khi nhiều giàn khoan đang tiếp tục được huy động đến khu vực Trung Đông, trong khi số lượng giàn khoan được đóng mới hạn chế.

Đối với trong nước, dự kiến nhu cầu giàn khoan tự nâng trong năm 2023 sẽ vào khoảng 7-8 giàn và trong năm 2024 sẽ tăng lên 9 giàn. Với tổng quan dự báo nhu cầu giàn khoan, doanh nghiệp cho rằng sẽ có nhiều cơ hội cho các nhà thầu khoan dầu khí tìm kiếm hợp đồng và cải thiện đơn giá thuê giàn trong thời gian tới.

Riêng với PV Drilling, công ty cho biết các giàn khoan đang sở hữu đã thu xếp được việc làm liên tục đến hết năm 2023 với đơn giá dịch vụ tăng khoảng 30-40% so với năm 2022 với các hợp đồng mới ký.

Bên cạnh đó, từ giữa năm 2023, 4 giàn khoan tự nâng và 1 giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm của PV Drilling đều sẽ làm việc ở nước ngoài. Doanh nghiệp cho biết sẽ duy trì 2-3 giàn khoan làm việc thường xuyên tại thị trường nước ngoài, tập trung vào Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Đối với thị trường trong nước, PV Drilling sẽ chủ động làm việc với các đối tác để sắp xếp các chương trình khoan phù hợp.

Ban lãnh cũng cho biết đang cùng với các đơn vị thành viên đang nghiên cứu khả năng triển khai dịch vụ mới ngoài ngành dầu khí, trong đó có lĩnh vực năng lượng tái tạo. PV Drilling đã và đang nỗ lực tìm hiểu để có thể kết hợp với các đơn vị trong ngành cùng tham gia cung cấp các giải pháp cho các dự án điện gió trên bờ và dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm