Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết: Tổng công ty đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, Tổng công ty đã triển khai các hệ thống mạng diện rộng: Mạng giao dịch điện tử, sàn giao dịch vận tải hàng hóa, điều hành giao thông vận tải đường sắt, cơ quan điện tử hỗ trợ điều hành vận tải đường sắt; ứng dụng AI vào công tác chăm sóc khách hàng và quản trị thương nghiệp.
Tổng công ty đã chủ động tăng cường chạy tàu ở các tuyến mới, đặc biệt các tuyến ngắn như Hà Nội - Thái Nguyên, tàu du lịch Hoa Phượng Đỏ, Hà Nội - Quy Nhơn - Sài Gòn - Quy Nhơn, tàu du lịch quanh Hà Nội và ga Hải Phòng đi cảng Hải Phòng, Quy Nhơn và nhiều tuyến khác. Tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ của hành khách trên tàu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Chủ động phối hợp với phía Trung Quốc để đưa ra các cái giải pháp khôi phục lại chạy tàu liên vận quốc tế, Nam Ninh - Gia Lâm để phục vụ khách du lịch.
Riêng trong quý I thì hoạt động vận tải liên vận quốc tế của ngành đường sắt đã tăng 20%.
Ông Hoàng Gia Khánh cho biết, Tổng Công ty kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, UBND các tỉnh áp dụng các chính sách ưu đãi cho ngành đường sắt và tiếp tục giải quyết các thủ tục về đất và miễn tiền thuế sử dụng đất đối với diện tích lô đất tại 551 Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm, Hà Nội. Hiện nay, Tổng Công ty đang tích cực phối hợp với thành phố Hà Nội để giải quyết nhưng tiến độ tương đối chậm.
Chúng tôi đề nghị ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn vốn cho các dự án đầu tư công khẩn cấp hàng năm để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các công trình xung yếu trên mạng lưới đường sắt quốc gia.
Đề nghị các địa phương có đường sắt đi qua bố trí kinh phí để triển khai quyết định 358 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt.
"Tôi cũng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục gia hạn chính sách giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia", ông Khánh đề nghị.
Giữa tháng 6/2024, VNR có văn bản đề nghị người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo UBND TP. Hà Nội, các cơ quan liên quan xác định toàn bộ diện tích đất tại 551 - Nguyễn Văn Cừ là đất công trình công nghiệp đường sắt, như xác nhận của Cục Đường sắt Việt Nam.
VNR cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 6, Luật Đường sắt năm 2017, phù hợp với Điều 209, Luật Đất đai năm 2024 đối với toàn bộ diện tích đất tại số 551 - Nguyễn Văn Cừ.
Cụ thể, không thực hiện thu tiền sử dụng đối với diện tích đất 122.973 m2 (là hệ thống đường sắt và kho, xưởng để phục vụ sửa chữa đầu máy, toa xe được xác định là kết cấu hạ tầng đường sắt và công trình công nghiệp đường sắt, hồ điều hòa chung của khu vực) từ thời điểm có Quyết định số 6960/QĐ-UBND ngày 18/11/2013 của UBND TP. Hà Nội về việc cho VNR thuê 203.873 m2 đất tại 551 - Nguyễn Văn Cừ đến ngày 30/6/2017 (trước thời điểm Luật Đường sắt năm 2017 có hiệu lực).