Xã hội

Tổng Bí thư: Bỏ khái niệm "đi xin việc", cơ quan Nhà nước phải tìm đến người tài

Tóm tắt:
  • Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh cần bỏ khái niệm "đi xin việc" và phát hiện người tài cho khu vực công.
  • Việt Nam phải chủ động ứng phó với thách thức từ chính sách thương mại và thuế quan của Mỹ.
  • Cần sắp xếp bộ máy hành chính địa phương để phục vụ Nhân dân hiệu quả hơn và giảm chi phí.
  • Tổng Bí thư khuyến khích sử dụng trụ sở dôi dư cho trường học và cơ sở y tế, tránh lãng phí.
  • Việt Nam đặt mục tiêu phát triển kinh tế cao, nâng cao đời sống Nhân dân và đạt thu nhập cao vào năm 2045.

Nội dung trên được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại cuộc tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 1 (các quận: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng) trước kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, sáng 17/4.

Bộ máy cơ quan Nhà nước không phải nơi trú chân an toàn

Tổng Bí thư nêu rõ, từ đầu năm 2025, bối cảnh tình hình thế giới rất phức tạp, điển hình là căng thẳng về hàng rào thương mại thuế quan, sự bất ổn chính trị gia tăng, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ tác động lớn đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm bỏ khái niệm ' đi xin việc ' , tìm kiếm người tài cho Nhà nước - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm. (Ảnh: Văn Hiếu)

" Việt Nam đang đối mặt với những thách thức mới từ chính sách thương mại và thuế quan của Mỹ. Chúng ta phải chủ động ứng phó, nâng cao khả năng phòng vệ thương mại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam ", Tổng Bí thư nói.

Minh chứng được Tổng Bí thư đưa ra là vừa qua Trung ương, Chính phủ có những ứng phó bước đầu, giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm, nhưng chắc chắn, "cuộc chiến" này còn rất phức tạp, chúng ta cần thích ứng và có chính sách phù hợp.

Nhìn nhận "trong nguy có cơ", Tổng Bí thư cho rằng, trước thách thức ấy, Việt Nam cũng có cơ hội để xem xét lại định hướng phát triển, làm sao để nền kinh tế đủ sức chống chọi với rủi ro. Đặc biệt trong bất cứ tình huống nào cũng không để bị động, bất ngờ và phụ thuộc.

" Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn, xuất nhập khẩu đứng top 20 thế giới, nếu không có sự chủ động sẽ phải chịu sự tác động lớn. Vì vậy, cần tăng cường thị trường tiêu dùng trong nước, mở rộng thị trường thương mại sang nhiều quốc gia, khu vực thay vì phụ thuộc vào một quốc gia… ", Tổng Bí thư gợi mở.

Bên cạnh đó, theo Tổng Bí thư, phải duy trì tăng trưởng kinh tế với mục tiêu trước mắt đạt mức 8% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số vào những năm tiếp theo.

Thông tin về kết quả Hội nghị Trung ương 11 vừa qua đưa ra nhiều quyết sách chiến lược, có ý nghĩa quan trọng, trong đó có chủ trương triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính ở địa phương, chuyển mô hình thụ động sang phục vụ Nhân dân, kiến tạo phát triển đất nước.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính ở địa phương được xác định trên tinh thần đột phá, bám sát thực tiễn, hướng đến mục tiêu mở rộng không gian phát triển mới cho địa phương và cho đất nước.

Tổng Bí thư nhấn mạnh không phải chỉ để giảm chi phí hành chính, mà quan trọng là tạo dư địa phát triển cho từng địa phương, giúp bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân. Bên cạnh đó, khi bộ máy tinh gọn sẽ giúp giảm biên chế, giảm chi tiêu, tiết kiệm ngân sách để dành nguồn lực cho nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.

" Giai đoạn 1 của việc sắp xếp Trung ương đã gương mẫu làm trước với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan Trung ương. Việc này được đánh giá rất tốt, không ảnh hưởng đến hoạt động đối nội, đối ngoại, không ảnh hưởng đến sự phát triển nói chung của đất nước và người dân, doanh nghiệp nói riêng ", Tổng Bí thư đánh giá.

Trong giai đoạn 2 với mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Tổng Bí thư quán triệt phải phân cấp rõ Trung ương làm gì, tỉnh thành làm gì và cấp xã làm gì.

" Không có nhiệm vụ nào chồng lấn nhau, phân công, phân cấp rất rõ ràng. Trước đây, một việc thôi, có khi Trung ương cũng làm, tỉnh cũng làm, huyện cũng làm, xã cũng làm, không biết ranh giới của việc này đến đâu. Thậm chí là không chạy được việc, chỗ nọ nhường lại cho chỗ kia, không rõ trách nhiệm ", Tổng Bí thư nêu thực tế.

Tới đây, Tổng Bí thư cho biết, Trung ương phải lo chiến lược, lo quốc phòng, an ninh, đối ngoại, còn lại phân cấp cho địa phương. Tổ chức lại cấp xã theo hướng là cấp chính quyền gần dân nhất, phục vụ mọi yêu cầu của Nhân dân, chăm lo đời sống Nhân dân, tất cả những vấn đề của dân xã phải nắm được hết.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cần tránh 2 khuynh hướng.

Một là sáp nhập các xã, phường quá rộng như một "cấp huyện thu nhỏ" dẫn đến không quán xuyến được địa bàn, không chủ động phục vụ được Nhân dân.

Hai là sáp nhập các xã, phường quá nhỏ, dẫn đến hạn chế về không gian, dư địa phát triển, đầu mối nhiều hơn dẫn đến cồng kềnh, kém hiệu quả.

" Việc giải quyết thủ tục hành chính của dân phải ở cấp xã, phường. Dân không phải lên tỉnh, lên Trung ương. Việc gì quá thẩm quyền của xã thì xã báo cáo lên tỉnh, thành phố, dân không việc gì phải lên đến tỉnh ", Tổng Bí thư quán triệt.

Theo yêu cầu của Tổng Bí thư, lãnh đạo cấp xã phải nắm được tình hình sức khỏe của người dân, mỗi năm người dân có được đi khám sức khỏe ít nhất một lần không, có bao nhiêu người trong năm chưa được đến cơ sở y tế, làm sao phải mời được bác sĩ đến trung tâm y tế kiểm tra sức khỏe cho người dân...

" Ai cũng được kiểm tra sức khỏe thì ông Chủ tịch xã, phường sẽ nắm được bao nhiêu người bị bệnh tim, bao nhiêu người bệnh gan, bao nhiêu người cao huyết áp... từ đó có kế hoạch bảo vệ sức khỏe Nhân dân ", Tổng Bí thư gợi mở.

Trước tâm tư của cử tri về việc lựa chọn, sử dụng, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp bộ máy, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là vấn đề then chốt của then chốt, phải chọn người đủ tầm, đủ tư duy, đủ trách nhiệm để phục vụ Nhân dân.

" Bộ máy cơ quan Nhà nước không phải nơi trú chân an toàn. Nếu ai đó thu vén cá nhân, trung bình chủ nghĩa, trông chờ không có chỗ trong bộ máy đó ", Tổng Bí thư nói và cho rằng cần khuyến khích nhóm cán bộ này tự nguyện rút lui, nhường chỗ cho người xứng đáng hơn.

Với cán bộ dôi dư sau sáp nhập, theo Tổng Bí thư, sẽ có chính sách, nếu còn trẻ sẽ được đi đào tạo về chuyển đổi số, ngoại ngữ, chính trị, thêm nhiều nghiệp vụ khác... Đồng thời khuyến khích cán bộ phát triển kinh tế tư nhân nếu không làm khu vực công nữa.

" Làm sao mọi người đều phải có lợi, đóng góp cho xã hội, tại sao chỉ có con đường vào Nhà nước mới có công ăn việc làm? Tôi nói chuyện với các sinh viên, thậm chí phải bỏ khái niệm "đi xin việc", làm sao phải phát hiện được người tài, đưa người ta vào bộ máy Nhà nước. Họ học đại học, có đủ trí tuệ, bản lĩnh, kiến thức, cơ quan Nhà nước phải tìm đến, mời người ta vào làm việc ở các cơ quan ", Tổng Bí thư nói.

Ưu tiên dùng trụ sở dôi dư làm trường học, bệnh viện

Về tài sản công và trụ sở dôi dư sau sáp nhập, Tổng Bí thư khẳng định sẽ không có sự lãng phí nếu tính toán phương án sử dụng phù hợp.

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần ưu tiên dùng trụ sở các cơ quan dôi dư sau sáp nhập cho trường học và cơ sở y tế.

" Bây giờ làm gì còn đất xây trường cho các cháu đi học, làm gì còn đất để xây trường. Cơ quan, trụ sở dôi dư có thể ưu tiên cải tạo, mở trường, mở lớp. Ưu tiên thứ hai là cho cơ sở y tế để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân ", Tổng Bí thư nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư gợi mở có thể tính toán dùng những cơ sở này cho hoạt động công cộng phục vụ nhu cầu văn hóa, thể thao của người dân.

" Tôi tin làm tốt việc này thì không có chỗ nào lãng phí cả ", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề cập một nội dung lớn khác được Trung ương bàn là việc chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng, trong đó có việc hoàn thiện các dự thảo văn kiện đại hội Đảng.

Theo Tổng Bí thư, Hội nghị Trung ương 11 đưa vào nhiều điểm mới trong dự thảo văn kiện như xác lập mô hình tăng trưởng mới, xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của kinh tế quốc gia, tập trung phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số….

Tổng Bí thư đề cập 3 nhiệm vụ chiến lược, quan trọng, mà trước hết là duy trì hòa bình, ổn định, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, để mọi người dân được sống trong hòa bình, ổn định và hạnh phúc.

" Năm nay chúng ta kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, chúng ta hiểu rõ giá trị hòa bình và những khó khăn khi xảy ra xung đột, ta không sợ nhưng phải ngăn chặn, không chỉ hòa bình cho chúng ta mà còn hòa bình cho khu vực và thế giới ", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Nhiệm vụ thứ hai là phát triển đất nước với 2 mục tiêu 100 năm, trong đó xác định đến năm 2045 Việt Nam thành nước phát triển, có thu nhập cao.

" Vậy định nghĩa thu nhập cao là như thế nào? Là người dân có thu nhập trung bình 20.000-25.000 USD. Chúng ta hiện giờ chưa được 5.000 USD, so với định mức thu nhập cao còn thiếu 15.000-20.000 USD nữa, nên ta không thể chậm trễ hơn và không thể lãng phí thời gian ", Tổng Bí thư nêu quyết tâm phải đạt mục tiêu này.

Theo Tổng Bí thư, thế giới đang phát triển rất nhanh và không đợi chúng ta, nếu để khoảng cách phát triển quá xa giữa Việt Nam và thế giới, chúng ta sẽ bị tụt hậu.

Nhiệm vụ chiến lược thứ ba Tổng Bí thư đề cập là nâng cao đời sống cho Nhân dân, với tinh thần đất nước phát triển, đời sống Nhân dân phải được cải thiện và nâng cao.

Các tin khác

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

Cảnh báo hệ luỵ từ trục lợi bảo hiểm

Thông tin một người phụ nữ ở Quảng Nam bị điều tra vì liên quan đến cái chết của con trai và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, đã thu hút sự chú ý của dư luận. Sự việc không chỉ khiến nhiều người giật mình mà còn đặt ra cảnh báo về vấn nạn trục lợi bảo hiểm ngày càng phức tạp hiện nay.