Đề nghị ADB hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn
Chiều tối ngày 16/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp ông Scott Morris, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang thăm, làm việc tại Việt Nam và dự Hội nghị thượng đỉnh P4G.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hạ tầng giao thông, nhất là các dự án quy mô lớn, có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Chủ tịch ADB Scott Morris. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ví dụ như các tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, cao tốc trục ngang, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, các tuyến đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, tuyến đường sắt kết nối Việt Nam với Lào; các dự án hạ tầng năng lượng như Nhà máy điện hạt nhân, các dự án năng lượng tái tạo, cũng như các dự án phát triển lưới điện ven bờ và kết nối với các nước ASEAN; các dự án hạ tầng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, hạ tầng số; hạ tầng giáo dục, y tế…
Thủ tướng đề nghị ADB tiếp tục dành các khoản tài trợ phù hợp với định hướng của Việt Nam, nhất là các dự án quy mô lớn như kể trên.
Đáp lời Thủ tướng, ông Scott Morris cũng đánh giá cao các chiến lược, bước đi mà Việt Nam đã đề ra để đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao năm 2030 và thu nhập cao năm 2045; cho rằng trong quá trình đó, mở ra nhiều cơ hội để ADB mở rộng hơn nữa các hoạt động cho vay và hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu chiến lược của mình.
Nhất trí cao với các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch ADB Scott Morris cho biết, ADB mong muốn đồng hành cùng Việt Nam, hỗ trợ Chính phủ giảm thiểu những khó khăn tiềm tàng trong phát triển kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp trước các thách thức toàn cầu; sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm các nguồn tài chính, nhất là tài chính cho các dự án hạ tầng như ý kiến của Thủ tướng.
Lễ ký kết các hiệp định vay và viện trợ trị giá 400 triệu USD với 2 'ông lớn' thế giới
Trước đó, chiều ngày 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Lễ ký kết các hiệp định vay và viện trợ, với tổng trị giá tương đương 400 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Trong đó, Dự án Cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương có số vốn tương đương 230,76 triệu USD vay của WB; Dự án Phát triển hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam, số vốn tương đương 107,67 triệu USD, vay của WB; Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bào dân tộc thiểu số ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Phú Yên và tỉnh Quảng Trị (mỗi tỉnh vay vốn tương đương 39,711 triệu USD) của ADB.


Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Lễ ký kết các hiệp định vay và viện trợ, với tổng trị giá tương đương 400 triệu USD của WB và ADB. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Dự án Cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương được thiết kế nhằm chuyển đổi căn bản hoạt động quản lý nước thải tại các thành phố Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, với tổng diện tích hơn 33.000 ha và dân số khoảng 1,4 triệu người. Dự án đầu tư sẽ giúp mở rộng đáng kể các dịch vụ này, mang lại lợi ích trực tiếp cho khoảng 550.000 người dân tại tỉnh Bình Dương vào năm 2032.
Dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam là dự án quan trọng, cấp bách của lĩnh vực đường thủy nội địa, được ưu tiên đầu tư sử dụng vốn vay của nhà tài trợ nước ngoài. Địa điểm thực hiện dự án là các tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai.
Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho cộng đồng dân tộc thiểu số - Dự án thành phần tỉnh Phú Yên và Quảng Trị sẽ nâng cấp khoảng 133 km đường huyện và xã theo tiêu chuẩn chống chịu biến đổi khí hậu, xây dựng và nâng cấp hạ tầng cấp nước nông thôn, và cung cấp dữ liệu thời tiết và khí hậu đáng tin cậy hỗ trợ cảnh báo sớm và ứng phó thiên tai. Khoảng 363.000 người, bao gồm 187.000 đồng bào dân tộc thiểu số, sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ dự án.