Trong 2 ngày 17 và 18.4, Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 7 (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) tiếp xúc cử tri ở quận Gò Vấp và quận Phú Nhuận. Một vấn đề mà cử tri quan tâm hiện nay là công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại TP.HCM như thế nào?
"Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm"
Một cử tri ở quận Gò Vấp cho rằng, điều kiện thẩm định cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm gây khó khăn cho cơ sở nhỏ lẻ. Đó là phải đảm bảo quy tắc 1 chiều trong cơ sở có vài chục mét vuông, điều này chỉ có cơ sở lớn mới làm được.
"Thực ra chúng tôi cũng hiểu là không thể đòi hỏi máy móc toàn bộ các tiêu chuẩn của cơ sở sản xuất lớn để áp vào cơ sở nhỏ lẻ. Nhưng ít ra cơ sở sản xuất nhỏ lẻ phải đáp ứng yêu cầu ít nhất là sạch, 1 chiều, không có ruồi muỗi… Phải đảm bảo nguồn nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ, có hóa đơn rõ ràng. Bản thân người vận hành toàn bộ quy trình an toàn thực phẩm phải được tập huấn, được trang bị kiến thức. Chúng tôi có sự ưu tiên cho cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chỉ yêu cầu 3 vấn đề nêu trên", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM trả lời.
Đại biểu ví von: "Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon cơm".

Nhiều học sinh Trường THCS Tân Túc, huyện Bình Chánh (TP.HCM) nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì vào ngày 29.3 vừa qua
ẢNH: D.T
Còn cử tri ở quận Phú Nhuận thì thắc mắc: Thức ăn đường phố vỉa hè ai quản lý, ai chịu trách nhiệm? Vì khi xảy ra ngộ độc thì cơ quan chức năng mới vào cuộc.
Trả lời vấn đề này, đại biểu Phong Lan cho rằng những sản phẩm sản xuất ở cơ sở nhỏ lẻ và giá rẻ thì nguy cơ mất an toàn thực phẩm lớn. Điều này không có nghĩa là những cơ sở lớn là được đảm bảo an toàn thực phẩm tuyệt đối.
"Thức ăn đường phố là đặc thù, là nét văn hóa. Nhà quản lý nhìn thấy là rất khó quản lý thức ăn đường phố vì mô hình này di động từ chỗ này qua chỗ khác. Mua và bán nhỏ lẻ, đều diễn ra ở vỉa hè. Chúng ta không cấm thức ăn đường phố, nhưng cần đầu tư để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và người dân lựa chọn", đại biểu Phong Lan giải thích.
Theo đại biểu, hiện nay TP.HCM có khoảng 15.400 hộ làm thức ăn đường phố. Thành phố phân cấp cho các quận, huyện, sau này là các phường, xã quản lý thức ăn đường phố. Tuy không đòi hỏi giấy phép đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nhưng khi kiểm tra về các chất cấm dùng trong thực phẩm mà phát hiện, thì cơ sở thức ăn đường phố vẫn bị xử phạt.
"Với thức ăn đường phố, đau đầu nhất là làm sao giải quyết chuyện rửa chén với một xô nước mà dùng từ sáng đến trưa? Vấn đề nữa là bao bì và dụng cụ. Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã vận động các nhà hảo tâm, thậm chí là xuất ngân sách để trang bị một số dụng cụ cho các xe thức ăn đường phố. Hiện nay, tuy ý thức người bán thức ăn đường phố được nâng cao nhưng nguy cơ mất an toàn vẫn còn nhiều, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng", đại biểu Phong Lan chia sẻ.
Cũng theo đại biểu, nguy cơ cao nhất là hiện nay là tình trạng bán hàng rong trước cổng trường học và học sinh là đối tượng rất nhạy cảm, yếu ớt. Do vậy, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đang tập trung vào những món ăn ngay, ăn liền mà học sinh thích.
Tại sao an toàn thực phẩm là vấn đề nóng?
Chia sẻ thêm với cử tri, đại biểu Phong Lan đặt vấn đề: Tại sao an toàn thực phẩm ở các nước không thành vấn đề mà ở Việt Nam lại trở thành vấn đề nóng? Rõ ràng mức độ an toàn thực phẩm của chúng ta chưa chấp nhận được, có rất nhiều nguy cơ. Một trong những nguyên nhân là chúng ta còn sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nên việc kiểm tra, kiểm soát khó hơn.
Đại biểu thông tin, TP.HCM có hơn 196.000 sản phẩm thực phẩm, nhưng có ít sản phẩm thuộc diện phải công bố để xét duyệt, còn lại là tự công bố. Nên Sở An toàn thực phẩm không thể kiểm tra hết, chỉ ưu tiên kiểm tra những cơ sở đánh giá có nguy cơ mất an toàn.
Trong khi đó, luật yêu cầu hậu kiểm tất cả sản phẩm, nhưng không có tăng biên chế nào cho thanh tra, thậm chí còn giảm. Cũng như không tăng quyền cho thanh tra an toàn thực phẩm. Vì không thể bao quát hết thị trường nên chỉ kiểm nghiệm những mẫu đặc trưng.
"Tôi là người rất dễ ngủ, nhưng từ ngày nhận nhiệm vụ Giám đốc Sở An toàn thực phẩm, tôi thấy khó ngủ ngon được. Tôi rất mong bất cứ lúc nào mình cũng phát hiện kịp thời những sự cố mất an toàn thực phẩm", đại biểu Phong Lan chia sẻ.
Nhưng cũng theo đại biểu, những vụ việc mất an toàn thực phẩm phát hiện được chỉ là bề nổi, vì với cơ chế như trên thì không dám nói đảm bảo an toàn tuyệt đối 100%.
"Nói thẳng là làm chưa được, nhưng chúng tôi sẽ làm được, sẽ cố gắng", đại biểu Phong Lan khẳng định với cử tri.