Năm 2022, toàn ngành kinh tế nói chung trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, ngành bảo hiểm nói riêng cũng không còn bị ảnh hưởng quá nhiều bởi COVID-19 tuy nhiên tốc độ tăng trưởng có phần chững lại và không có nhiều sự đột biến.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm hiện có 78 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 DNBH phi nhân thọ, 19 DNBH nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 26 DN Môi giới BH) và 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.
Tính trong năm 2022, tổng tài sản của các DNBH ước đạt 811.312 tỷ đồng, tăng 14,51% so với năm 2021. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 162.814 tỷ đồng, tăng 3,83% so với năm trước.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 251.306 tỷ đồng, tăng 15,09%, trong đó doanh thu phí bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 68.201 tỷ đồng (tăng 17,8% so với năm trước), lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 183.105 tỷ đồng (tăng 14,8% so với năm trước).
Tính riêng quý IV/2022, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm ước tính tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 15,6%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 16,4%, theo Tổng cục Thống kê.
Bảo hiểm sức khỏe là phân khúc sôi động nhất mảng phi nhân thọ
Theo số liệu đến hết quý III/2022, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 49.792 tỷ đồng, tăng trưởng 19,1% so với cùng kỳ 2021, trong đó bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng cao nhất, với lần lượt chiếm 32,8% và 26,2% doanh thu toàn thị trường.
Bảo hiểm sức khỏe vốn có xu thế tăng trưởng nhanh hơn các nhóm nghiệp vụ khác trong những năm gần đây, với mức tăng trưởng kép là 22,5% so với toàn ngành là 13,2% trong giai đoạn 2015-2019, theo Chứng khoán VNDirect. Đây là phân khúc sôi động nhất, được thúc đẩy bởi xu hướng già hóa dân số và tầng lớp trung lưu tăng nhanh.
Giới phân tích cho rằng bảo hiểm sức khỏe là một trong những sản phẩm phi nhân thọ có dư địa tăng trưởng lớn nhất do Việt Nam đang trải qua giai đoạn già hóa dân số nhanh chóng. Ngoài ra, tốc độ gia tăng tầng lớp trung lưu ở mức cao cũng là một động lực tăng trưởng dài hạn quan trọng cho nhu cầu bảo hiểm sức khỏe.
Trong đó, Tập đoàn Bảo Việt (Mã: BVH) và Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (Mã: PTI) là hai doanh nghiệp bảo hiểm có lợi thế thị phần để nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng đối với bảo hiểm sức khỏe. Bảo hiểm Bảo Việt là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bảo hiểm sức khỏe với 22,8% thị phần, gấp đôi thị phần của doanh nghiệp đứng thứ hai là Bảo hiểm Bưu điện với 11,4% thị phần.
Theo sau bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới là sản phẩm phi nhân thọ lớn thứ hai tại Việt Nam. Phí bảo hiểm xe cơ giới đã tăng trưởng dương trở lại trong 9 tháng đầu năm ở mức 17,2% sau khi sụt giảm trong năm 2021 do doanh số bán ô tô phục hồi mạnh mẽ trong năm nay.
Về bồi thường bảo hiểm gốc, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ 9 tháng đầu năm khoảng 15.954 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc là 32%, cao hơn tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2021 (30,1%).
Theo Vietnam Report, tỷ lệ bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, đặc biệt các nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm con người cũng có xu hướng tăng mạnh so với năm 2021 sau khi người dân trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.
Doanh nghiệp BH phi nhân thọ: Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm
9 tháng năm 2022, 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn nhất thị trường bao gồm CTCP PVI (Mã: PVI), Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm Bưu điện, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (Mã: MIG) và Bảo hiểm Bảo Minh (Mã: BMI) đều ghi nhận mức tăng trưởng phí tốt so với cùng kỳ trong 9 tháng.
Theo đó, Bảo hiểm Quân đội là doanh nghiệp có mức tăng trưởng phí cao nhất, tăng 36% so với cùng kỳ, theo sau là PVI và Bảo hiểm Bảo Minh. Đối với Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo hiểm Bưu điện, tăng trưởng phí bảo hiểm đã quay trở lại mức dương trong năm nay nhưng vẫn yếu hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm, mặc dù chiếm thị phần lớn trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ nhưng những ông lớn này lại ghi nhận sự sụt giảm về lợi nhuận. Tập đoàn Bảo Việt ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.553 tỷ đồng, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, một “ông lớn” khác là CTCP PVI cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm sau 9 tháng đầu năm với 846 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Bảo hiểm Quân đội cũng tương tự khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm 8,6% xuống còn 170 tỷ đồng sau 9 tháng.
Bảo hiểm Bưu điện thậm chí còn ghi nhận lỗ 349 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm trong khi cùng kỳ năm trước lãi 247 tỷ đồng. Báo cáo tài chính doanh nghiệp cho thấy doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 3.831 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước tuy nhiên chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty lại lên tới 4.091 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước
Giải trình về kết quả kinh doanh này, PTI cho biết công ty phát sinh chi phí liên quan đến chương trình bảo hiểm “Vững Tâm An” với số tiền 327,3 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bồi thường của PTI tăng mạnh so với cùng kỳ, ở mức 377,4 tỷ đồng tăng 31% so với cùng kỳ gây ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh.
Thực tế, ngay từ cuối quý I, SSI Research cũng đã nhận định rằng tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm có dấu hiệu chững lại so với đầu năm, đồng thời dự báo về lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bị ảnh hưởng trong quý II do diễn biến của thị trường chứng khoán không thuận lợi. Theo đó, ngoại trừ CTCP Bảo hiểm Agribank (Mã: ABI), tất cả DNBH đều có đầu tư cổ phiếu.
Năm 2021, đầu tư cổ phiếu chiếm khoảng từ 2% - 9% tổng danh mục đầu tư và chiếm 10% - 46% lợi nhuận đầu tư. Với việc thị trường chứng khoán sụt giảm so với đầu năm, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư cổ phiếu làm ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng.
Công ty bảo hiểm ngoại tăng tốc chiếm lĩnh thị phần nhân thọ
Mảng bảo hiểm phi nhân thọ năm 2022 chứng kiến sự tăng trưởng ổn định với tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng đâu năm ước đạt 127.511 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng gấp rưỡi so với quý trước.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 37.677 tỷ đồng tăng 6,35 % so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Manulife với 6.863 tỷ đồng, Prudential với 6.678 tỷ đồng, Dai-ichi Life với 5.172 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ với 3.985 tỷ đồng và MB Ageas với 2.847 tỷ đồng.
Về thị phần của các doanh nghiệp bảo hiểm 9 tháng đầu năm, thị trường bảo hiểm nhân thọ hiện cạnh tranh khốc liệt với sự phát triển của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài.
Bảo Việt nhân thọ vẫn là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất, chiếm 19,25% thị trường và doanh thu phí bảo hiểm đạt 24.457 tỷ đồng. Tuy nhiên theo sau đều là sự chiếm lĩnh của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài như Manulife (17,94%), Prudential (16,91%), Dai-ichi Life (12,35%), AIA (10,76%).
5 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bao gồm Bảo hiểm Bảo Việt và 4 doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài là Prudential, Manulife, Dai-ichi và AIA hiện đang chiếm gần 80% thị phần phí bảo hiểm phí bảo hiểm gốc và gần 70% thị phần doanh thu khai thác mới.
Về mức tăng, theo thống kế của VNDirect, thị phần của Manulife đã tăng thêm 7% từ 2015 đến nay, trong khi Bảo Việt Nhân Thọ tuy vẫn có thị phần cao nhất thị trường nhưng đã có sự sụt giảm 7% từ năm 2015 đến nay. Giai đoạn 2020-2021 chứng kiến sự vươn lên mạnh nhất của Manulife khi tăng 4% thị phần trong khi đó thị phần của Bảo hiểm Bảo Việt giảm 3%.
Thị trường bancassurance sôi động với nhiều tiềm năng tăng trưởng
Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn tiếp tục tích cực trong việc hợp tác độc quyền với ngân hàng. Thị trường bancassurance đã có sự sôi động trong năm qua khi chứng kiến những thương vụ lớn như Agribank và FWD Việt Nam, LienVietPostBank và Dai-ichi Life, VPBank và AIA gia hạn thỏa thuận hợp tác độc quyền thời hạn từ 15 năm lên 19 năm.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, nhận định thời gian qua, rất nhiều ngân hàng tích cực triển khai hoạt động bancassurance. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bancassurance tăng trưởng tới 23%. Doanh thu phí từ bancassurance hiện đang chiếm khoảng 5-10% tổng thu nhập hoạt động của mỗi ngân hàng.
“Thị trường bancassurance Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng tích cực do tăng trưởng kinh tế giai đoạn từ nay tới năm 2025 tăng trung bình 6,5-7%/năm; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm của Việt Nam còn thấp (hiện đang là 2,7% và Chính phủ mong muốn nâng lên mức 3,5% vào năm 2025).
Cùng quan điểm, Chứng khoán ACB (ACBS) cũng cho rằng thị trường bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới. Do đó các chuyên gia kỳ vọng tốc độ tăng trưởng doanh số bảo hiểm nhân thọ trong 5 năm tới đạt 15%/năm.
Ngành bảo hiểm được hưởng lợi từ việc tăng lãi suất
Năm 2022, Ngân hàng Nhà nuóc (NHNN) đã hai lần tăng lãi suất điều hành, theo đó, các ngân hàng thương mại cũng đua nhau tăng lãi suất huy động 1-2,5%.
Với việc phần lớn danh mục đầu tư là tiền gửi, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ hưởng lợi khi lãi suất huy động có xu hướng tăng trong thời gian tới do áp lực thanh khoản trong các quý gần đây gia tăng. Do đó giới phân tích cho rằng lợi nhuận tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tăng trong năm 2023 nhờ mặt bằng lãi suất huy động tăng.
Trước đó trong 9 tháng đầu năm, lợi suất đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm đã giảm đi so với giai đoạn 2020-2021 do thị trường chứng khoán lao dốc và lãi suất huy động không tăng đáng kể cho đến tháng 9-10 khi NHNN tăng lãi suất điều hành.