VN-Index trải qua tháng 7 với hai xu hướng nhỏ, nếu như nửa đầu tháng chỉ số liên tục bị đè bán và giảm xuống mức thấp nhất 1.155,29 điểm vào ngày 11/7 thì nửa sau đó là quá trình nỗ lực lấy lại những gì đã mất.
Đóng cửa phiên 29/7, chỉ số sàn HOSE tăng 8,73 điểm, tương đương 0,73% so với tháng 6 và kết thúc tháng ở mức 1.206,33 điểm, thanh khoản tháng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021
Theo thống kê của FiinTrade, dòng tiền vào nhóm vốn hóa vừa tiếp tục tăng và giữ vững vị trí dẫn đầu. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm ngân hàng, chứng khoán, thực phẩm & đồ uống, trong khi giảm vào nhóm hóa chất, hàng & dịch vụ công nghiệp, dầu khí.
Trong tháng VN-Index nỗ lực lấy lại mốc 1.200, giao dịch của khối tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh công ty chứng khoán) vẫn tỏ ra ảm đạm với lực cung áp đảo. Họ tiếp tục bán ròng 1.827 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ bán ròng 125 tỷ đồng.
Tổ chức trong nước tập trung gom cổ phiếu ngân hàng, nhưng lại bán ròng mạnh nhất nhóm BĐS
Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì tương quan hai chiều mua bán diễn ra tương đối cân bằng.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản là nhóm bị bán ròng nhiều nhất trong tháng với 475 tỷ đồng. Theo quan sát, ngành bất động sản tuy có sự cải thiện về dòng tiền nhưng tỷ trọng giá trị giao dịch so với toàn thị trường vẫn ở mức thấp thứ 2 trong 10 tháng liên tiếp.
Tương tự, cổ phiếu của nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp tiếp tục nằm trong Top bán ròng, dù quy mô rút vốn đã thu hẹp so với tháng trước đó. Trong tháng 7, tổ chức nội đã bán ròng 247 tỷ đồng cổ phiếu của các doanh nghiệp nhóm vận tải, cảng biển,…
Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là xây dựng và vật liệu (113 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (61 tỷ đồng), bán lẻ (55 tỷ đồng),…
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của các nhà băng được mua gom nhiều nhất với giá trị 212 tỷ đồng, dù vậy quy mô giải ngân đã giảm tới 64% so với tháng trước đó.
Trong tháng 7, nhóm cổ phiếu vua đã có sự cải thiện về cả điểm số và thanh khoản. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm này tăng từ 11,01% lên 14,94% và là mức cao nhất trong 5 tháng gần đây. Chỉ số giá ngành tăng 1,9% trong tháng 3.
Điều này cho thấy dòng tiền đã hướng sự quan tâm vào nhóm ngân hàng nhưng lực cầu vẫn chưa đủ thuyết phục.
Thống kê của FiinTrade cũng cho thấy hoạt động giải ngân vào một số lĩnh vực kinh doanh cũng hạ nhiệt trong tháng 7. Điển hình như ngành công nghệ thông tin vẫn được gom ròng, nhưng giá trị rót ròng đã giảm từ 213 tỷ về hơn 158 tỷ đồng.
Diễn biến cùng chiều, dòng tiền tổ chức nội đã chuyển hướng giải ngân vào dịch vụ tài chính (141 tỷ đồng) dù tháng trước bị bán ròng với giá trị 120 tỷ đồng. Dữ liệu thống kê chỉ ra chứng khoán là nhóm tăng mạnh thứ 2 toàn thị trường trong tháng 7, tăng 6,24% sau khi giảm mạnh nhất thị trường trrong tháng 6.
Trong nhóm này dòng tiền tập trung vào VND, SSI, VCI, SHS, HCM, MSB, VIX, BSI, FTS, CTS, toàn bộ nhóm này tăng điểm trong tháng trong đó tăng mạnh nhất là MBS, VIX và HCM.
Tính từ đầu năm, chỉ số ngành chứng khoán vẫn còn giảm 42,99% và là nhóm giảm mạnh nhất thị trường.
Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân của tổ chức nội cũng được chứng kiến ở nhóm tài nguyên cơ bản (58 tỷ đồng), ô tô & phụ tùng (28 tỷ đồng), dầu khí (28 tỷ đồng), bảo hiểm (20 tỷ đồng),….
Cổ phiếu nào được mua/bán nhiều nhất?
Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tháng qua nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào các đại diện ngành ngân hàng. Trong đó, cổ phiếu ACB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất là 203,2 tỷ đồng. Cùng chiều, các tổ chức nội gom ròng hai mã VPB và VIB với giá trị lần lượt là 136,4 tỷ đồng và 112,4 tỷ đồng.
Mặc dù diễn biến của phần lớn các mã ngân hàng không có nhiều nổi bật trong tháng vừa qua, đây là nhóm ngành được kỳ vọng sẽ trở lại dẫn dắt quá trình hồi phục của thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm.
Theo báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng của SSI Research, các cổ phiếu ngân hàng đã giảm 6 - 40% so với đầu năm. Theo đó, định giá của các ngân hàng thuộc phạm vi phân tích đã giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm.
Một số ngân hàng thậm chí đã có chỉ số P/B thấp hơn một độ lệch chuẩn so với mức trung bình 5 năm. Theo SSI Research , sự điều chỉnh này phản ánh cả môi trường lãi suất dần tăng lên cũng như một phần lo ngại liên quan đến rủi ro nợ xấu.
Trở lại với giao dịch của tổ chức trong nước, dòng tiền nhóm này cũng tìm đến cổ phiếu ngành công nghệ (FPT) và thực phẩm (VNM) với giá trị trên trăm tỷ đồng.
Cùng thuộc lĩnh vực ngân hàng nhưng cổ phiếu SHB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội lại bị rút ròng mạnh nhất gần 300 tỷ đồng.
Tương tự, tổ chức trong nước cũng bán ròng cổ phiếu họ Vingroup là VIC (213,5 tỷ đồng) và VHM (95,8 tỷ đồng). Hai cái tên cuối trong Top5 bán ròng là hai HAH (109,9 tỷ đồng) và REE (101,2 tỷ đồng).