Doanh nghiệp

Tình tiết mới vụ ông chủ Circle K mua lại 7-Eleven, chiến dịch thâu tóm "biểu tượng Nhật Bản" ngày càng gay cấn

Theo WSJ, Chủ tịch điều hành Alain Bouchard của Alimentation Couche-Tard, công ty mẹ của Circle K, cho biết họ không có ý định thâu tóm một cách "thù địch" với 7-Eleven, vốn là một biểu tượng của người Nhật Bản trong ngành bán lẻ.

Tuy nhiên những diễn biến mới nhất lại cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác.

Tuần trước, hãng Seven & i sở hữu 7-Eleven cho biết họ đã nhận được đề xuất tư nhân hóa thông qua kế hoạch mua lại của ban quản lý bởi các thành viên gia đình sáng lập, vốn sở hữu khoảng 8% cổ phần.

Khả năng Nhật Bản có thể sẽ không phải bán biểu tượng của mình cho nước ngoài đã khiến giá cổ phiếu công ty tăng 15%.

Tình tiết mới vụ ông chủ Circle K mua lại 7-Eleven, chiến dịch thâu tóm "biểu tượng Nhật Bản" ngày càng gay cấn- Ảnh 1.

Đáp trả, ban quản lý cấp cao của Couche-Tard, bao gồm Chủ tịch Bouchard và CEO Alex Miller, đã có cuộc phỏng vấn với giới truyền thông Nhật Bản vào ngày 21/11, qua đó cho biết có thể sẽ tiếp tục thương vụ thâu tóm 7-Eleven này dựa trên cơ sở "thân thiện và bảo mật".

"Chúng tôi tin rằng lời đề nghị mà chúng tôi đưa ra rất hấp dẫn đối với tất cả các bên liên quan", CEO Miller khẳng định nhưng không tiết lộ mức giá mới mà họ đưa ra.

Đề nghị mua lại Seven & i ban đầu của Couche-Tard được đưa ra vào tháng 7/2024 nhưng đã bị phía Nhật Bản từ chối vì cho rằng "giá trị doanh nghiệp bị định giá quá thấp”.

Đến tháng 10, phía Couche-Tard đã tăng giá thầu lên mức 18,19 USD/cổ phiếu, tương đương mức giá 47 tỷ USD cho 7-Eleven, cao hơn 20% so với đề nghị ban đầu.

CEO Miller đã nhắc lại rằng Couche-Tard không có ý định trở thành cổ đông thiểu số và mục tiêu của họ là mua lại tất cả các cổ phiếu của Seven & i.

"Nếu gộp hai công ty lại với nhau, chúng tôi sẽ trở thành công ty có doanh thu khoảng 150 tỷ USD. Điều đó sẽ đưa chúng tôi vào top 5 nhà bán lẻ hàng đầu trên thế giới".

Theo ông Miller, ngoài việc coi trọng các chi nhánh cửa hàng tiện lợi phủ sóng khắp mọi nơi của 7-Eleven thì công ty còn coi trọng "thương hiệu mang tính biểu tượng trên toàn thế giới" này.

Một số nhà sáng lập và chuyên gia có quan điểm chống bán biểu tượng của Nhật Bản cho rằng động thái này đi ngược lại quy định chống độc quyền ở Mỹ.

Tuy vậy theo CEO Miller thì đây không phải trở ngại lớn.

"Việc thâu tóm 7-Eleven tại Mỹ khiến chúng tôi có khoảng 12% thị phần và đây không phải con số quá lớn theo bất kỳ tiêu chuẩn chống độc quyền nào", CEO Miller nói.

Cũng theo giám đốc này, việc kết hợp đẳng cấp, thương hiệu và tiêu chuẩn của 7-Eleven với năng lực công nghệ số của ông chủ Circle K sẽ tạo nên "rất nhiều giá trị".

*Nguồn: Nikkei

Cùng chuyên mục

Đọc thêm