Thời sự

Tỉnh có truyền thống làm nông sắp xây nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, sẽ dành 11.000 ha quỹ đất phát triển công nghiệp

Nhà máy số 4 của Công ty TNHH Toyoda Gosei Hải Phòng đi vào hoạt động ở KCN Tiền Hải từ tháng 72019, tạo việc làm cho 1.500 lao động ở địa phương. (Ảnh: Khắc Duẩn/ Báo Thái Bình).

“Các khoản đầu tư lớn đang dần chuyển sang các khu công nghiệp ở các địa phương hạng hai ở Việt Nam do giá đất cạnh tranh, ưu đãi thuế và lực lượng lao động dư thừa”, Nikkei Asia viết hồi tháng 9 về những vùng đất hoang sơ trở nên nhộn nhịp sau khi có các doanh nghiệp “đổ bộ”. Trong số 5 tỉnh “hạng hai” được tờ báo này nhắc đến, Thái Bình gây tò mò hơn cả bởi tỉnh này vốn có truyền thống làm nông nghiệp, được biết đến với danh xưng “vựa lúa của cả nước”.

Thu hút FDI vào Thái Bình tăng vọt trong năm 2021.

Tỉnh có tốc độ tăng trưởng công nghiệp - xây dựng cao thứ hai trong vùng

Điểm qua tình hình kinh tế của Thái Bình, Dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho biết bình quân giai đoạn 2016-2020, kinh tế Thái Bình tăng trưởng 8,7%/năm, cao hơn tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 (6,7%/năm). Nếu không tính năm 2020 có yếu tố đột biến là đại dịch COVID-19, thì trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng kinh tế tỉnh Thái Bình đạt trên 10%/năm. Quy mô GRDP (giá so sánh) năm 2020 ước đạt 53.539 tỷ đồng, gấp hơn 1,5 lần năm 2015.

Với tốc độ nói trên, tỉnh Thái Bình là một trong những tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Hồng. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2019, tỉnh Thái Bình có tốc độ tăng trưởng cao thứ 4 trong vùng, chỉ xếp sau Hải Phòng, Hà Nam, Quảng Ninh.

 

Về tăng trưởng theo các khối ngành của tỉnh Thái Bình, tốc độ tăng trưởng GRDP của khu vực công nghiệp - xây dựng đạt cao nhất. Năm 2016, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 13,5%, đến năm 2017-2018 tăng lên 22-23% và giảm nhẹ xuống gần 20% năm 2019. Tuy nhiên đến năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, đây cũng là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi chỉ ghi nhận tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong ba khối ngành.

Về cơ cấu kinh tế, Thái Bình vẫn là tỉnh có tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cao nhất trong số các tỉnh đồng bằng sông Hồng và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu kinh tế của Thái Bình cũng khá thấp. Tuy nhiên, thời gian qua, cơ cấu kinh tế có những sự chuyển dịch khá tích cực, đặc biệt là giữa hai khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng.

Cụ thể, từ năm 2015 đến năm 2020 tỷ trọng khối ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đã giảm từ 32% GRDP (bao gồm cả thuế sản phẩm) xuống còn 23% GRDP; tỷ trọng khối ngành công nghiệp, xây dựng đã tăng từ khoảng 27% lên gần 40% và tỷ trọng khối ngành dịch vụ giảm nhẹ từ 35% xuống còn khoảng 31%. Tuy nhiên, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh Thái Bình hiện vẫn đang ở mức cao nhất so với các địa phương khác trong vùng.

Một trong những điểm sáng cần được nhắc đến là Thái Bình có tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng trong giai đoạn 2016-2020 cao thứ hai trong vùng, dù xét về quy mô còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 3,7% tổng GRDP khu vực công nghiệp - xây dựng của vùng và xếp thứ 9/11 trong vùng.

Về thu hút FDI, năm 2021 được coi là năm bứt phá với Thái Bình khi thu hút 540 triệu USD, giúp tỉnh này nằm trong nhóm 15 địa phương hút FDI nhiều nhất năm đó. Trước đó, từ năm 2016, FDI vào Thái Bình khá khiêm tốn, chỉ từ 50-90 triệu USD.

Trong Dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thái Bình đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng. Tỉnh cũng đưa ra ba kịch bản phát triển và lựa chọn kịch bản 3 (tăng trưởng cao và phát triển đột phá) với tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2021-2030 đạt 13,4%. 

 

Tỉnh nông nghiệp sắp có nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô công nghệ châu Âu 

Song hành với những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Thái Bình còn phải nhắc đến một số doanh nghiệp nổi bật đã đầu tư vào đây.

Mới nhất hồi tháng 9, Thái Bình tổ chức lễ ký thỏa thuận cho thuê 50 ha đất và cơ sở hạ tầng giữa Tổng Công ty Viglacera - Công ty cổ phần với Tập đoàn Geleximco để xây dựng Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Geleximco tại Khu công nghiệp Tiền Hải.

Giai đoạn 1, dự kiến nhà máy được đầu tư 7.000 tỷ đồng, bắt đầu xây dựng từ quý I/2023, hoàn thành đưa vào hoạt động từ quý III/2024 và sử dụng khoảng 1.200 lao động.

Giai đoạn 2, dự kiến nhà máy được đầu tư 11.800 tỷ đồng, xây dựng, đưa vào hoạt động từ năm 2030 và tạo việc làm cho 2.500 - 3.000 lao động.

Ngoài Geleximco, một công ty khác cũng mới xây dựng nhà máy để sản xuất xe điện là Công ty cổ phần Thái Bình Hưng Thịnh. Nhà máy cơ điện Thái Hưng được xây dựng tại Khu công nghiệp An Bài, tỉnh Thái Bình, với quy mô đầu tư 254 tỷ đồng , dự kiến đưa ra thị trường 5.000 xe điện mỗi năm.

Trước đó hồi tháng 8, Liên danh nhà đầu tư Tập đoàn T&T (Việt Nam) và Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) đã có báo cáo nghiên cứu phát triển dự án điện gió ngoài khơi với tỉnh Thái Bình. Dự kiến, giai đoạn I có công suất 1.000 MW, tổng đầu tư 2,5 tỷ USD. Hiện tại, Dự án đã được UBND tỉnh Thái Bình trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương để bổ sung vào Quy hoạch Điện VIII.

Ngoài ra, một số dự án quy mô sắp hoàn thành giai đoạn tới ở Thái Bình phải kể đến Nhà máy sản xuất sợi Công nghệ cao DragonTextiles 2 do DragonGroup đầu tư tại xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Phụ. Dự án có tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng, sản xuất trên 8.000 tấn sợi/năm, giai đoạn I sẽ hoạt động từ quý I/2023.

Cũng tại xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Phụ, dự án nhà máy chế biến thực phẩm của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm ứng dụng công nghệ cao Thái Bình (Tập đoàn TH) có tổng vốn 617,2 tỷ đồng dự kiến năm 2024 sẽ đi vào hoạt động.

Dự kiến dành 11.000 ha quỹ đất phát triển công nghiệp

 KCN Tiền Hải ở Thái Bình. (Ảnh: Viglaceraip).

Về tình hình hoạt động các khu công nghiệp (KCN), hiện nay trên địa bàn tỉnh có 6 KCN đã đi vào hoạt động gồm KCN Nguyễn Đức Cảnh, KCN Phúc Khánh, KCN Sông Trà, KCN Tiền Hải, KCN Cầu Nghìn, KCN Gia Lễ và một KCN (KCN Thaco - Thái Bình) đang thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Ngày 28/10/2019, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó tổng diện tích đất dành cho khu công nghiệp; khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ và cụm công nghiệp khoảng 8.020 ha. Bao gồm 27 phân khu, trong đó: 13 Khu công nghiệp.11 Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Ba CCN trong khu kinh tế gồm: CCN Thái Thọ, CCN Cửa Lân, CCN Trà Linh.

Theo Dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh dự kiến quỹ đất phát triển công nghiệp khoảng 11.000 ha (nhỉnh hơn so với quỹ đất dự kiến của Nam Định là 7.000 ha).

Cụ thể về đất khu công nghiệp, tỉnh dự kiến dến năm 2030 có khoảng 2.600 ha; đến năm 2050 có khoảng 8.000 ha. Các khu công nghiệp tập trung chủ yếu ở trong Khu kinh tế Thái Bình và phát triển một số cụm công nghiệp ven tuyến Thái Bình - Hà Nam. Đất cụm công nghiệp dự kiến đến năm 2030 có khoảng 2.500 ha; đến năm 2050 có khoảng 4.000 ha.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm