Tài chính

Công trình độc đáo ở quốc gia tỷ dân: Nằm giữa sa mạc gần 50 độ C mà không cần điều hoà, có khả năng tự làm mát

Tại thành phố Jaisalmer nằm trên sa mạc của Ấn Độ, nhiệt độ có thể lên tới 49 độ C ở thời gian cao điểm vào mùa hè. Nơi này còn được biết với cái tên “Thành phố Vàng” với nhiều công trình kiến trúc sa thạch màu vàng.

Các toà nhà tại đây từ lâu đã được thiết kế để thích ứng với cái nóng khắc nghiệt. Và với Trường nữ sinh Rajkumari Ratnavati, kiến trúc sư người Mỹ - Diana Kellogg, cũng sử dụng lối kiến trúc này để xây dựng. Dự án này được thực hiện để tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em ở khu vực nữ giới có tỷ lệ biết chữ thấp nhất ở Ấn Độ.

Công trình độc đáo ở quốc gia tỷ dân: Nằm giữa sa mạc gần 50 độ C mà không cần điều hoà, có khả năng tự làm mát - Ảnh 1.
Công trình độc đáo ở quốc gia tỷ dân: Nằm giữa sa mạc gần 50 độ C mà không cần điều hoà, có khả năng tự làm mát - Ảnh 2.

Hình ảnh Trường nữ sinh Rajkumari Ratnavati.

Theo Kellogg, ngôi trường được Architectural Digest India xướng tên là “Toà nhà của năm” trong năm 2020. Trường Rajkumari Ratnavati được xây dựng bằng đá sa thạch thân thiện với môi trường, bắt đầu mở cửa đón học sinh vào tháng 11/2021 và có 120 nữ sinh đang theo học.

Hệ thống làm mát tự nhiên

Kellogg chia sẻ, việc thiết kế không gian học tập thoải mái có thể là thách thức ở một địa điểm nằm giữa sa mạc Thar, nơi mà biến đổi khí hậu đang khiến hạn hán kéo dài và khắc nghiệt hơn. Dù thường thiết kế các dự án dân cư cao cấp, nhưng Kellogg đã bị thu hút bởi thành phố Jaisalmer khi đến đây vào năm 2014. Cô muốn xây dựng một toà nhà biểu tượng cho hy vọng và khả năng “sống dậy” của sa mạc bằng cách kết hợp kiến trúc Jaisalmer truyền thống với thiết kế hiện đại.

Kellogg cho biết: “Có những phương pháp làm mát đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ. Điều tôi làm là kết hợp chúng lại với nhau.” Theo nhà thiết kế, nhiệt độ trong nhà ở trường học thấp hơn khoảng 11-16 độ so với bên ngoài.

Đối với cấu trúc của công trình, cô sử dụng đá sa thạch vì đây là loại vậy liệu có khả năng chống chịu khí hậu khắc nghiệt trong các toà nhà ở thành phố này. Kellogg chia sẻ: “Đá sa thạch ở khu vực này rất nhiều và có giá hợp lý, ngoài ra còn có những người thợ cực kỳ tài năng. Đá sa thạch cũng giúp ‘cách ly’ cái nóng và làm mát vào ban đêm.”

Công trình độc đáo ở quốc gia tỷ dân: Nằm giữa sa mạc gần 50 độ C mà không cần điều hoà, có khả năng tự làm mát - Ảnh 3.
Công trình độc đáo ở quốc gia tỷ dân: Nằm giữa sa mạc gần 50 độ C mà không cần điều hoà, có khả năng tự làm mát - Ảnh 4.

Kết hợp với vật liệu truyền thống, Kellogg sử dụng cả vữa trát vôi để tạo lớp lót cho các bức tường, đây là vật liệu làm mát tự nhiên và xốp, giúp hơi ẩm bốc hơi. Lấy cảm hứng từ các toà nhà khác trong khu vực, cô cũng xây dựng một bức tường jali - tường lưới đá sa thạch cho phép gió lùa vào để làm mát không gian và tạo bóng râm. Trần nhà và cửa sổ lắp đặt cao giúp giải phóng nhiệt trong các lớp học. Mái che bằng các tấm năng lượng mặt trời vừa cung cấp bóng râm và năng lượng.

Cấu trúc toà nhà có góc nghiêng theo hướng gió và có hình dạng elip vì giúp tiếp nhận và lưu thông không khí mát mẻ. Ngoài ra, hình elip cũng mang ý nghĩa biểu tượng của sự nữ tính, phù hợp với tiêu chí của dự án.

Công trình có giá trị bền vững

Công trình độc đáo ở quốc gia tỷ dân: Nằm giữa sa mạc gần 50 độ C mà không cần điều hoà, có khả năng tự làm mát - Ảnh 5.

Dù về nguyên tắc, nhiều kỹ thuật làm mát được sử dụng ở ngôi trường này cũng có thể áp dụng ở nơi khác, nhưng tính hiệu quả và bền vững sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào địa điểm, theo Kellogg. Chẳng hạn, hướng gió và các loại đá khác nhau sẽ giúp điều chỉnh nhiệt độ theo một cách khác ở Jaisalmer.

Toà nhà này hoàn toàn không có điều hoà không khí, không chỉ vì tác động tới môi trường mà là nó không phổ biến ở Jaisalmer. Bằng cách áp dụng các cơ chế làm mát truyền thống và tự nhiên mà các học sinh vốn đã quen thuộc, Kellogg tin rằng các em vẫn có thể có được sự thoải mái từ môi trường xung quanh.

Tham khảo CNN


Cùng chuyên mục

Đọc thêm