Ném con 2 tháng tuổi từ tầng 5 BV, người phụ nữ khai gì?
Ngày 16/6, Công an TP.HCM đang phối hợp với Công an huyện Bình Chánh lấy lời khai bà P.T.Q. (SN 1985, quê Long An) để điều tra về hành vi ném con ruột từ tầng 5 Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố
Theo thông tin ban đầu, sáng 14/6, vợ chồng bà Q. đưa con ruột là cháu H. (2 tháng tuổi) đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh, TP HCM) khám bệnh.
Bác sĩ kết luận cháu H. bị trào ngược dạ dày thực quản. Do không tin kết quả khám bệnh và muốn khám lại, Q. bàn bạc và sau đó cãi nhau với chồng.
Sau đó, chồng bà Q. xuống căn tin đợi còn bà ẵm con đăng ký khám lần 2. Sau khi kiểm tra, bác sĩ kết luận cháu H. phổi yếu, trào ngược dạ dày thực quản và cho nhập viện.
Bà Q. khai với công an rằng nghĩ con mình bệnh nặng, không có tiền chữa bệnh. Bên cạnh đó, con thường xuyên khóc khiến vợ chồng bà mệt mỏi, stress nên bà ném con từ tầng 5 xuống đất khiến cháu H. tử vong.
Sau khi ném con, bà Q. vào ngồi tại một căn phòng ở lầu 6 và được bảo vệ tìm thấy. Bước đầu, công an nghi ngờ người mẹ này có dấu hiệu trầm cảm.
Tổng Thư ký Quốc hội nói về việc bãi nhiệm, cách chức ông Nguyễn Thanh Long
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tại buổi họp báo
Chiều 16/6, trao đổi với phóng viên tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ: “Chúng ta rất bùi ngùi xúc động khi phải đọc những nghị quyết bãi nhiệm đồng chí, đồng nghiệp của mình. Chúng ta đã thấy những thành tựu mà ngành y tế đóng góp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, kể cả cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng có nhiều đóng góp. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, để giữ vững kỷ luật, kỷ cương, chúng ta buộc phải thực hiện những quyết định như vậy”.
Cũng theo ông Cường, khi Ban Chấp hành Trung ương tổ chức kỳ họp bất thường để thi hành kỷ luật, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng rất nghẹn ngào chia sẻ và đặc biệt nêu nguyên tắc của Đảng, kỷ luật của Đảng là kỷ luật sắt, vì thế không có vùng cấm, không có ngoại lệ, ai vi phạm thì phải xử lý.
Trước đó, vào ngày 7/6, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã bãi nhiệm đại biểu Quốc hội và phê chuẩn cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long.
Ông Nguyễn Thanh Long đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, can thiệp; tác động hỗ trợ Công ty Việt Á trong quá trình cấp sổ đăng ký tạm thời và chính thức, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương đối với bộ kit xét nghiệm, để việc ban hành các thông báo giá sinh phẩm, trang thiết bị y tế chẩn đoán COVID-19 trái quy định.
Trụ sở UBND xã "vắng như chùa bà đanh" trong giờ làm việc, Chủ tịch xã giải thích
Người dân đến xã làm việc nhưng không có ai tại trụ sở (Ảnh: Công an nhân dân)
Sáng 16/6, ông Lê Huy Hoà – Chủ tịch UBND xã Đông Thịnh (Đông Sơn, Thanh Hoá) cho biết, chính quyền xã đang làm giải trình, kiểm điểm lên UBND huyện Đông Sơn về sự việc để trụ sở UBND xã "vắng như chùa Bà Đanh" trong giờ làm việc.
Theo ông Hoà, chiều 14/6, một số cán bộ tại xã đi vận động nhân dân để giải phóng làm vỉa hè đường 517 nên không có mặt tại uỷ ban. Cùng ngày hôm đó, cũng có đoàn kiểm tra của huyện về kiểm tra liên quan đến công trình vật tư, chấp thuận chủ trương nên một số cán bộ phải đi làm việc. Bản thân ông và một số cán bộ cũng rời trụ sở 15 phút để đưa một cán bộ chuyển công tác đi.
Theo ông Hòa, tại trụ sở xã vẫn có người trự, nhưng, do khởi công trạm y tế mới, nên một số cán bộ xã đã sang trạm y tế chuyển đồ giúp. Đến 16h ngày 14/6, tất cả các cán bộ đều có mặt tại trụ sở UBND xã.
“Chiều hôm đó chỉ có một người lên xin giấy xác nhận vay vốn ngân hàng chính sách, sau đó chúng tôi đã giải quyết. Hình ảnh về 2 người đi xe máy ra về, không phải người dân tới xã làm việc mà là người bên tổ chức vay vốn quỹ tín dụng, trụ sở nằm cạnh UBND xã”, ông Hoà thông tin.
“Chặt chém” 400.000 đồng cho một lần đánh giày
UBND quận Hải Châu (Đà Nẵng) đã triệu tập Đ.Đ.P (29 tuổi, quê Thanh Hóa) vì có hành vi “chặt chém” khách đánh giày đến 400.000 đồng/đôi giày.
Đ.Đ.P (29 tuổi, quê Thanh Hóa)
Qua làm việc, P thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ, lập hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, vào năm 2017 và 2019, P cũng dùng thủ đoạn trên để “chặt chém” du khách đánh giày. P bị công an mời lên làm việc và đưa đi trung tâm bảo trợ xã hội. Sau đó, P tiếp tục hành nghề đánh giày và đến nay thì lại bị phát hiện hành vi tương tự.
Trước đó, sáng 14/6, anh L.P.L (ngụ quận Liên Chiểu) đưa lên Facebook thông tin anh thuê đánh giày với giá… 190.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, khi anh L. đưa 500.000 đồng thì người đánh giày chỉ thối lại 100.000 đồng rồi bỏ đi.