Doanh nghiệp

Tín hiệu phục hồi việc làm trong ngành sản xuất

Hai tháng đầu năm, ước tính có khoảng 80.000 người rời khỏi các doanh nghiệp chế biến chế tạo, khiến quy mô lao động của ngành này giảm 1,1% so với cùng kỳ 2022, theo Tổng cục Thống kê. Đây là kết quả tất yếu khi các doanh nghiệp phải thu hẹp lại quy mô sản xuất vì tiêu thụ giảm, tồn kho tăng suốt thời gian qua.

Dẫu vậy, cũng có một số tín hiệu ban đầu cho khả năng phục hồi việc làm với lao động trong nhà máy.

Phạm Quang Anh, Giám đốc công ty may mặc Dony cho biết đang nhìn thấy cơ hội từ thị trường Mỹ và Trung Đông. Anh dự báo đơn hàng của ngành phục hồi từ quý II nhưng tuyển mới lao động có thể không bùng nổ.

"Các doanh nghiệp có xu hướng tinh gọn, ưu tiên lao động tăng ca trở lại. Được tăng ca là nhu cầu của công nhân may trong khi nhiều đơn vị đang giảm giờ làm, cho nghỉ thứ bảy", ông nói.

Tại hội chợ ngành nội thất 2023 mới đây, Công ty Trần Đức Corporation, chuyên cung ứng nội thất khách sạn cao cấp với quy mô 2.000 công nhân tại Bình Dương, cũng cho biết chỉ trong khuôn khổ sự kiện, doanh nghiệp đã có được 57 khách hàng tiềm năng và 13 khách hàng có khả năng hợp tác. Đây được xem là dấu hiệu tích cực với hoạt động của công ty.

Diễn biến này cũng tương đồng với chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 của Việt Nam do S&P Global công bố. Đơn vị nghiên cứu này đánh giá tình hình sản xuất có xu hướng cải thiện nhẹ, với kết quả 51,2. Mức trên 50 phản ánh sự mở rộng hoạt động.

Tuyển dụng nhân sự tại An Giang tháng 2/2022. Ảnh:An Phương

Tuyển dụng nhân sự tại An Giang tháng 2/2022. Ảnh: An Phương

"Dấu hiệu phục hồi chỉ mới nhen nhóm, để việc tuyển dụng lao động sản xuất thực sự khởi sắc phải rơi vào nửa cuối năm", hãng tuyển dụng và tính lương Adecco nêu trong nghiên cứu Bối cảnh nhân sự và triển vọng thị trường lao động 2023.

Theo đó, Adecco ghi nhận gần một nửa (47%) doanh nghiệp được hỏi chỉ muốn giữ nguyên lao động như hiện tại. Tỷ lệ định tăng thấp hơn một chút, ở mức 43%. Trong khi, 1,39% dự kiến giảm 25-50%, và 8,33% giảm dưới 25%.

Hãng tuyển dụng này cũng cho rằng kiểm soát chi phí hiệu quả là động lực ảnh hưởng đến quyết định nhân sự năm nay. Nếu cần thêm người, doanh nghiệp có thể ưu tiên lao động tay nghề cao, có khả năng đa nhiệm. Nhưng nhân sự chất lượng thì mức độ cạnh tranh cao.

Đồng quan điểm, ông Quang Anh nhìn nhận các công ty hiện có tâm lý đề phòng các rủi ro bất ngờ như việc đơn hàng đột ngột giảm như giữa năm ngoái. "Doanh nghiệp giờ có xu hướng giữ lao động "non", tức là thiếu một chút so với nhu cầu để tăng năng suất. Trường hợp có biến động, việc thanh lý tài sản vật chất vẫn dễ hơn đưa ra các quyết định sa thải", ông nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm