Khối ngoại gia tăng áp lực bán tuần cơ cấu ETF
Tổng quan thị trường tuần giao dịch (11 – 15/9), VN-Index mở màn phiên đầu tuần bằng một phiên giảm mạnh nhất kể từ phiên hồi phục sau phiên (18/8) khi mất tới 17,85 điểm. Chỉ số hồi phục ngay phiên sau đó (12/9), lấy lại toàn bộ số điểm đã mất trong ba phiên đỏ lửa kế trước.
Tuy nhiên, lực bán trở lại trong hai ngày (13 – 14/9), đẩy VN-Index về vùng điểm hỗ trợ quanh 1.220 điểm. Lực cầu xuất hiện tại vùng hỗ trợ này giúp thị trường tạm thời tìm được điểm cân bằng, đóng cửa tuần ở 1.227,59 điểm.
Đáng lưu tâm, nhịp rung lắc mạnh của VN-Index tuần này kích hoạt lực bán trở lại đẩy khối lượng giao dịch trên sàn HOSE tăng vọt so với ba tuần hồi phục trước, tương đương tuần thị trường điều chỉnh sâu (14 – 18/8). Đây là tín hiệu cho thấy tâm lý bất ổn của nhà đầu tư quay trở lại.
Về mặt thông tin, sự kiện nổi bật nhất được thị trường quan tâm là chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam đầu tuần. Bên cạnh đó là giao dịch cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF là FTSE Vietnam ETF và VNM ETF. Qua theo dõi thị trường chứng khoán Việt Nam thường rung lắc mạnh trong tuần hai ETF này giao dịch cơ cấu danh mục, mặc dù hoạt động mua bán thường được thực hiện trong phiên ATC phiên ngày thứ Sáu của tuần,
Cũng liên quan đến diễn biến dòng tiền ETF, nhóm quỹ này tiếp tục rút ròng gần 1.520 tỷ đồng (65 triệu USD. Trong đó, ba quỹ quy mô hàng đầu thị trường là VFMVN Diamond, VFMVN30 và Fubon FTSE Vietnam ETF tiếp tục bị rút ròng tuần này với giá trị lần lượt 33 triệu USD, 5,7 triệu USD và 10,3 triệu USD.
Lực bán từ các ETF đóng góp chính trong giá trị bán ròng hơn 2.100 tỷ đồng từ khối ngoại tuần này. So với tuần trước đó, quy mô bán ròng tăng khoảng 1.000 tỷ đồng. Giá trị bán ròng từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài kể từ đầu tháng 9 đạt 3.188 tỷ đồng.
Khối tự doanh đẩy mạnh xả nhóm cổ phiếu hot nhất thị trường: bất động sản, chứng khoán
Cùng với tín hiệu không mấy tích cực từ khối ngoại, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán cũng đẩy mạnh bán ròng trong tuần. Theo thống kê, chênh lệch giá trị bán và mua qua kênh khớp lệnh của khối tự doanh là 1.266 tỷ đồng, khi mua (2.385 tỷ đồng) và bán (3.651 tỷ đồng).
Khối tự doanh CTCK tập trung bán khớp lệnh tại các nhóm cổ phiếu như ngân hàng (461 tỷ đồng), bất động sản (294 tỷ đồng), chứng khoán (169 tỷ đồng).
Hai nhóm bất động sản và chứng khoán trở thành tâm điểm của dòng tiền thị trường trong hai tháng trở lại đây. Việc nhóm này bị bộ phận tự doanh xả ròng mạnh là tín hiệu cảnh báo sự suy yếu.
Quan sát một số mã đại diện nhóm cổ phiếu nổi bật giai đoạn vừa qua bị bán ròng mạnh tuần này như NVL (254 tỷ đồng), DIG (63 tỷ đồng), SSI (153 tỷ đồng), HPG (17 tỷ đồng).
Riêng hai phiên 13 – 14/9, cổ phiếu Novaland bị nhóm tự doanh bán ròng lần lượt 124 tỷ đồng và 128 tỷ đồng sau khi xuất hiện thông tin nhà phát triển bất động sản này tiếp tục chậm trả lãi trái phiếu đến hạn. Sau tuần điều chỉnh, giá cổ phiếu NVL giảm 14% từ đỉnh, tạm dừng ở 18.900 đồng/cp.
Trong tuần mất giá hơn 9%, mã VIC của Tập đoàn Vingroup bị rút ròng 44,6 tỷ đồng trong khi VHM được mua ròng nhẹ 14,6 tỷ đồng.
Sở dĩ hai ngành bất động sản và chứng khoán được đề cập bởi đây là hai nhóm dẫn dắt của thị trường và tăng giá mạnh nhất hai tháng trở lại đây. Với vai trò dẫn dắt thị trường, lực cầu đối ứng của các tổ chức, nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng nhóm bất động sản (3.534 tỷ đồng), chứng khoán (2.580 tỷ đồng).
Ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, chuyên gia chiến lược đầu tư SSI Research đánh giá việc suy yếu của nhóm cổ phiếu bất động sản cho thấy tín hiệu rủi ro bắt đầu phát đi và cần quan sát thêm với nhóm cổ phiếu này.
“Chúng ta có thể thấy sự tập trung chú ý của nhà đầu tư cá nhân với khẩu vị rủi ro cao vào nhóm cổ phiếu bất động sản trong những tháng vừa qua. Do vậy, sự suy yếu của nhóm cổ phiếu chủ chốt này sẽ kiến cho tâm lý của nhà đầu tư trở nên dao động và ảnh hưởng đến thị trường chung”, chuyên gia từ SSI Research đưa quan điểm.
Theo dõi trong phiên cuối tuần, dòng tiền thị trường có sự chuyển lớp sang nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí. Song, sự tập trung vẫn chưa thực sự lớn, nên hai nhóm bất động sản và chứng khoán vẫn chưa phân định rõ ràng tín hiệu của nhịp phân phối hay pha điều chỉnh của một chu kỳ tăng.
Về tổng quan thị trường, vị chuyên gia SSI đánh giá xu hướng tăng trung hạn vẫn được bảo toàn với việc chưa có rủi ro mang tính xác nhận, phá vỡ xu hướng. Nhưng trong bối cảnh này, nhà đầu tư cần có một chút cẩn trọng khi quan sát xu hướng tăng của tỷ giá cũng như sự suy yếu của nhóm dẫn dắt như bất động sản.