Tài chính

Tín dụng phục hồi bấp bênh và sự quyết liệt giảm lãi suất của nhà điều hành

Tín dụng phục hồi bấp bênh

"Xu hướng tăng trưởng tín dụng trong tháng 5/2023 là không khả quan", theo nhận định của chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC).

Theo đó, tại thời điểm cuối tháng 4, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 2,75% so với cuối năm 2022, cao hơn mức tăng 2,57% ghi nhận vào ngày 20/4. Tuy nhiên tính đến ngày 9/5, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2,69% và số liệu mới cập nhật nhất (tính đến ngày 16/5) chỉ đạt 2,72%.

Tăng trưởng tín dụng so với cùng kỳ chỉ đạt 9,3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 14-15% của năm 2023.

 

Trái với sự phục hồi tương đối tốt trong hai tháng trước, xu hướng phục hồi của tăng trưởng tín dụng không phải là một đường thẳng hàm ý cung - cầu vốn khó gặp nhau.

Ba nguyên nhân được chuyên gia VDSC chỉ ra là nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, người dân giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn; các gói ưu đãi lãi suất hiện tại chưa đi vào thực tiễn; và lãi suất điều hành và lãi suất huy động đã giảm tương đối (100-150 điểm cơ bản), nhưng lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao. Ngoài ra, sự suy yếu của thị trường bất động sản cũng là nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm.

Theo nhận định của chuyên gia Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset, nhà sáng lập Sáng lập Công ty tư vấn quản lý tài sản FIDT, nền kinh tế đang trong tình trạng  phải "hà hơi tiếp sức liên tục" sau khi trải qua trạng thái đứt gãy thanh khoản từ tháng 11 năm ngoái tới tháng 2.

Ông Tuấn cho rằng vấn đề của thanh khoản của thị trường hiện nay là do vòng quay tiền của chúng ta quá thấp. Nhiều ngành như thuỷ sản, dệt may, đồ gỗ,... ghi nhận doanh thu giảm trong khi thị trường bất động sản đóng băng,từ đầu năm không còn những thống kê giao dịch trên thị trường nữa (ngay cả những ông lớn như Savills, CBRE).

"Tiền kẹt trong thanh khoản, kẹt trong hàng hoá, tồn kho, kẹt trong trái phiếu (~700.000 tỷ)", ông Huỳnh Minh Tuấn cho hay. Theo ông, mặc dù có Nghị định 08 đã gỡ khó cho thị trường trái phiếu nhưng thực tế đó chỉ là việc rời quả bom hiện tại sang hai năm tiếp theo.

Tín dụng suy giảm, làm sao để kích cầu?

Sự khó khăn ngày càng thấy rõ của nền kinh tế đã khiến cho các nhà điều hành đang ngày càng quyết liệt hơn trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ, đồng thời thúc đẩy việc thực hiện nó một cách sốt sắng hơn bao giờ hết.

Chỉ từ tháng 3 tới nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ba lần giảm lãi suất điều hành mỗi lần từ 0,5 - 1 điểm %, lần gần nhất được quyết định vào ngày 23/5 và áp dụng từ ngày 25/5.

Ngay sau khi quyết định giảm lãi suất điều hành được công bố vào chiều tối 23/5, sáng 24/5 và 25/5, các ngân hàng đã liên tục với các bộ ban ngành có liên quan và họp với NHNN để tìm cách nâng cao khả năng tiếp cận vốn và giảm lãi suất đầu ra cho doanh nghiệp và người dân.

"Các ngân hàng thương mại (NHTM) dự kiến giảm 0,3-0,5% lãi suất cho vay với tất cả khách hàng hiện hữu, áp dụng từ 29/5. Nhóm dự kiến giảm lãi suất tuần tới sẽ tập trung ở các ngân hàng tư nhân từ đầu năm đến nay chưa điều chỉnh lãi với những khoản vay cũ", thông tin được Tiền phong cho hay từ cuộc họp gần nhất giữa NHNN và lãnh đạo các NHTM.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc). 

Ngày 26/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có công điện yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, chỉ đạo hệ thống NHTM tiết giảm chi phí, ứng dụng chuyển đổi số,… để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thiết thực, đúng đối tượng. Đồng thời, tiếp tục rà soát các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn… 

Trên thực tế, cáccác gói hỗ trợ, ưu đãi lãi suất, tình hình triển khai không mấy khả quan.Tính đến cuối tháng 4/2023, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 52.000 tỷ đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ đạt khoảng 409 tỷ đồng, tương ứng với mức độ hoàn thành 1% so với quy mô gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Hiện tại, NHNN và Chính phủ vẫn chưa có phương án cụ thể điều chuyển nguồn vốn không sử dụng hết của gói hỗ trợ này.

Cùng với đó, sau hơn 1 tháng triển khai, gói tín dụng ưu đãi lãi suất 120.000 tỷ đồng của nhóm Big4 ngân hàng vẫn chưa phát sinh dư nợ, nguyên nhân là NHNN chưa nhận được danh mục các dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

"Đây có thể nói là hai ví dụ thực tế nhất về hiệu quả thực thi chính sách, chính sách cho dù nhiều nhưng khả năng thực thi kém thì cũng không tạo ra tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng", báo cáo của VDSC viết.

Nhận định về các chính sách ở thời điểm hiện tại, chuyên gia Huỳnh Minh Tuấn chỉ ra điểm tích cực là ý chí của nhà điều hành và xu hướng về lãi suất. Ông cho rằng thông điệp của NHNN đã rất rõ ràng là các ngân hàng hãy giảm lãi suất đi cùng các yêu cầu chỉ đạo sát sao.

Trên thực tế, khi lãi suất điều hành giảm thì các ngân hàng sẽ hạ lãi suất tiết kiệm và các Big4 là những ngân hàng tiên phong sau đó tới loạt NHTM. Còn về phía lãi vay sẽ có độ trễ hơn và cũng đang diễn ra. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm