Một tuần 5-6 ngày, mỗi ngày 8 tiếng ở cùng đồng nghiệp, do vậy có rất nhiều thói quen của chúng ta cũng được ảnh hưởng từ họ, đặc biệt trong câu chuyện tài chính. Chẳng hạn, những lần rủ nhau đi ăn uống, chia sẻ cửa hàng quần áo quen thuộc, hay những sản phẩm trong nhà không thể thiếu, thậm chí cùng nhau đầu tư.
Từng tự chuẩn bị đồ ăn, giờ lại toàn mua đồ ăn vặt
Những ngày việc chồng việc, mệt mỏi với những nhiệm vụ phải hoàn thành, chắc hẳn không thể thiếu đi câu rủ rê uống trà sữa hay ăn vặt để lấy lại sức. Đây cũng là điều mà Minh Anh, 22 tuổi thấy rằng bản thân đã thay đổi rất nhiều từ khi đi làm. Trước đó, cô bạn luôn mang hộp cơm eat clean - 1 chế độ ăn uống lành mạnh - nhưng từ khi đi làm cùng đồng nghiệp sẽ luôn có những buổi rủ rê gọi đồ ăn trưa hoặc cùng nhau khám phá nhà hàng mới quanh chỗ làm.
"Đặc biệt phải nói đến những kèo ăn vặt buổi chiều tại văn phòng, dù công ty mình có cho đồ ăn vặt mỗi ngày nhưng mình và đồng nghiệp vẫn thường xuyên rủ nhau order trà sữa, chè,... bữa xế chiều. Trung bình 1 tuần mình order đồ ăn tầm 300k, tính cả những bữa đi ăn nhà, 1 tháng mình chi tầm 1,5 - 2 triệu cho ăn vặt".
Bên cạnh đó, dù trước đó đã dùng hình thức chuyển khoản nhiều hơn, từ khi đi làm Minh Anh gần như không sử dụng tiền mặt "Mỗi lần ăn vặt với đồng nghiệp, bọn mình chia ra rồi chuyển qua ví điện tử cho tiện. Dần dần, khi mua đồ, mình cũng chỉ chuyển khoản hoặc quét mã".
Minh Anh - Ảnh: NVCC
Học cách chi tiêu nhiều hơn cho sức khỏe
Mỗi lần gặp phải áp lực trong công việc, Minh Ngọc, 23 tuổi thường xuyên uống trà sữa hoặc ăn đồ ăn nhanh do vậy đã bị tăng cân. Cạnh công ty của cô bạn có 1 phòng gym khá lớn, do vậy đồng nghiệp đã rủ Minh Ngọc cùng đi tập gym.
"Chi tiêu để cải thiện sức khỏe là điều mình chưa từng nghĩ đến trước đó, tại cảm thấy bản thân vẫn còn khá trẻ và khỏe mạnh. Cho đến những ngày này cân tăng nhanh, mình cũng thấy khó tập trung hơn trong công việc, chị đồng nghiệp đã rủ đi tập thể dục cùng nhau. Đây chắc là thói quen chi tiêu mình thay đổi lớn nhất từ khi đi làm".
Cô bạn 23 tuổi chia sẻ rằng dù 1 chiếc thẻ tập gym 6 tháng không hề rẻ, nhưng sau 1 tháng đi tập, cân nặng giảm xuống, Minh Ngọc thấy rất xứng đáng. Ngoài ra, cô bạn cũng học cách ăn uống lành mạnh hơn, đầu tư mua những sản phẩm tốt cho sức khỏe. "Thay đổi trong tài chính cá nhân từ khi đi làm là mình có thêm mục chi tiêu cho sức khỏe trong ngân sách", Minh Ngọc chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thu Hường, 24 tuổi, là người luôn rủ đồng nghiệp đi tập cùng để nâng cao sức khỏe và cũng vui hơn. "Mình luôn có ngân sách cố định cho sức khoẻ, mình cũng chia sẻ những điều này với đồng nghiệp bởi đây là khoản đầu tư xứng đáng".
Ngoài ra, khi được hỏi về khoản tiền "hời" nhất từng chi nhờ đồng nghiệp, Thu Hường cho rằng đó là cân nhắc chuyện mua đồ cũ. "Mình muốn đổi máy tính đúng lúc đồng nghiệp cũng muốn nhượng lại 1 chiếc đang còn khá mới, mình quyết định mua của đồng nghiệp luôn do tin tưởng hơn so với đi mua cũ bên ngoài".
Thu Hường - Ảnh: NVCC
Chi tiêu quá tay vì hiệu ứng đám đông
Trong những lần nói chuyện, không khó để bắt gặp những lời review của đồng nghiệp như "món đồ này tốt lắm", hay "thử sử dụng dịch vụ này đi". Thế nhưng, không phải lúc nào nó cũng mang đến điều tích cực với ví tiền của bạn.
"Mỗi khi đồng nghiệp rủ rê chi tiền cho 1 món đồ nào đó, mình sẽ thường rất hào hứng vì chia sẻ chân thực từ họ. Có lần mình cùng đồng nghiệp rủ nhau mua 1 món đồ trang điểm khá đắt tiền. Song, khi mua về mình nhận ra đã có 2 món đồ tương tự ở nhà rồi nên không dùng tới món đồ này. Mua sắm trực tuyến thường xuyên nên tổng chi tiêu tháng đó của mình "báo động đỏ". Mình cũng tự nhận thấy bản thân là người hay chi tiêu quá tay vì hiệu ứng đám đông".
Tâm lý này cũng thường gặp trong những lần đồng nghiệp rủ nhau ăn uống, đi chơi, nói không thì lại sợ mình trở thành người "lạc quẻ". Cũng là 1 người có tâm lý bị ảnh hưởng bởi người khác, Thu Hường chia sẻ rằng ban đầu rất khó để nói không vì FOMO, sợ lạc lõng không hòa nhập được với đồng nghiệp. "Nhưng dần mình thấy không đi ăn vặt, đi chơi vài buổi, hay từ chối những lời rủ rê mua các món đồ cũng không ảnh hưởng gì tới mối quan hệ".
Ảnh minh hoạ: Pinterest
Làm sao để từ chối những lần chi tiêu không hợp lý từ đồng nghiệp?
Bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh trong chuyện chi tiêu chưa hẳn đã xấu. Nhiều khi, chúng ta sẽ học được cách chi tiêu cho những điều xứng đáng chẳng hạn như sức khỏe hay học cách lên kế hoạch tài chính. Mặt khác, đôi lúc cũng sẽ có những tác động không tốt, dẫn đến lạm phát chi tiêu. Song, những điều này mỗi người đều có thể tự kiểm soát.
Theo Thu Hường, có 2 mẹo để cô bạn luôn áp dụng đó là đặt mục tiêu tài chính rõ ràng và luôn theo dõi bám sát kế hoạch. "Khi có mục tiêu rõ ràng, mình sẽ tự biết phải cân đối chi tiêu, chia các khoản chi ra và cắt giảm những cái không cần thiết".
"Mỗi lần được đồng nghiệp chia sẻ về các sản phẩm hay dịch vụ tốt, mình không còn mua liền nữa. Mình thường cho bản thân khoảng 1 tuần để xác định có thực sự cần món đồ đó không, món đồ ấy có thực sự hữu ích cho cuộc sống của mình không? Bên cạnh đó, mình có 1 cuốn sổ ngoài việc lên kế hoạch cho công việc thì cũng lập ngân sách để cân bằng chi tiêu trong tháng. Khi viết ra những khoản chi tiêu, mình bị ngạc nhiên vì không nghĩ bản thân lại tiêu xài nhiều đến vậy. Từ đó, tiêu tiền phù hợp hơn", Minh Anh chia sẻ.