Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, tính đến 24/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,5% so với cuối năm 2023, ước đạt 13,575 triệu tỷ đồng. Đây là mức tăng tiền gửi thấp nhất trong nhiều năm qua.
Một tháng trở lại đây, các ngân hàng cũng đồng loạt tăng lãi suất, có nơi điều chỉnh tới 1,7%. Mặt bằng lãi suất tăng nhẹ và ngày càng nhiều ngân hàng trả lãi suất từ 5% trở lên cho người gửi tiền. Động thái điều chỉnh này, theo chuyên gia, nhằm cân bằng lại với lợi suất sinh lời của các kênh đầu tư khác như USD, đặc biệt là sự áp đảo của vàng thời gian qua...
Ở đầu ra, dư nợ tín dụng của nền kinh tế tăng khoảng 4,45% so với đầu năm, đạt trên 14,17 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, Thủ tướng đặt mục tiêu hết quý II/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 5-6%, cả năm khoảng 15-16%. Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết sẽ điều chuyển chỉ tiêu của những ngân hàng tăng trưởng tín dụng không đạt để chủ động tạo điều kiện cho những ngân hàng có khả năng phát triển tín dụng.
Tuy nhiên, giới trong ngành đều nhìn nhận, nhu cầu vay của doanh nghiệp và cá nhân đều yếu. Nhiều ngân hàng thậm chí tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm.
Về nhóm khách bán lẻ, ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối Cho Vay Bán Lẻ Ngân hàng Shinhan Việt Nam (Shinhan Bank), cho biết cầu tín dụng vay mua nhà, mua xe và tiêu dùng đều yếu.
Cho vay mua nhà vốn đóng góp tỷ trọng lớn với mảng bán lẻ, vẫn ghi nhận tình hình ảm đạm dù lãi suất thấp. Thị trường bất động sản trầm lắng, nguồn cung phân khúc căn hộ chung cư ngày càng hạn chế trong khi năng lực vay của người dân suy giảm. Vì thế, yếu tố lãi suất vay thấp, theo ông Vũ, không đủ để kéo dư nợ cho vay mua nhà tăng trưởng. Trong ngắn hạn, dư nợ cho vay mảng này vẫn chưa khả quan cho tới khi có những thay đổi căn cơ giúp thị trường hồi phục.
Chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá, những yếu kém kéo dài của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tác động mạnh hơn dự kiến đến khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng, làm phương hại đến tăng trưởng kinh tế cũng như làm suy yếu sự ổn định tài chính. Các chính sách, theo IMF, nên tiếp tục tập trung vào việc tăng cường ổn định tài chính, đòi hỏi cải thiện chất lượng tài sản và tránh tăng trưởng tín dụng quá mức với chất lượng thấp.