Theo báo cáo tình hình kinh tế- xã hội quý III và 9 tháng năm 2022 của Tổng cục Thống kê (GSO), đà tăng huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) có dấu hiệu giảm dần trong quý III.
Tính đến thời điểm 20/9/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,95%). Trong đó, huy động vốn của các TCTD tăng 4,04%, cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54%, cùng kỳ năm trước tăng 7,17%.
Nếu so với thời điểm 20/6, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,3% so với cuối năm 2021, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,97%, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,51%.
Có thể nhận thấy tăng trưởng tín dụng hiện cao gấp 2,6 lần tăng trưởng huy động vốn. Chênh lệch tín dụng - huy động tăng lên mức báo động gây ra áp lực thanh khoản cho nhiều ngân hàng.
Trước áp lực trên, nhiều ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất huy động trong thời gian vừa qua bao gồm cả 4 ngân hàng quốc doanh (tăng thêm 1 điểm %). Mức lãi suất cao nhất áp dụng tại một số ngân hàng vượt mức 7%/năm, có nơi vượt mức 8%/năm.
Đáng chú ý, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn (tiền gửi thanh toán) cũng tăng 0,3% lên 0,5%/năm. Lãi suất cho loại tiền gửi này từng được áp trần 1%/năm trước năm 2019 và liên tục được điều chỉnh giảm. Đến tháng 5/2020 lãi suất cho tiền gửi không kỳ hạn chỉ còn 0,2%/năm.
Chẳng hạn tại Kienlongbank, ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi kỳ hạn 1 tuần – 3 tuần lên 0,5%/năm. Tương tự với SCB, nhà băng này cũng tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên kịch trần 0,5%/năm.
Các ngân hàng khác cũng tăng lãi suất tiền gửi thanh toán lên 0,5%/năm có thể kể đến như NCB, BacABank, ABBank, NamABank, SeABank,...
Tại talkshow "Dự báo kinh tế vĩ mô Việt Nam cuối năm 2022", Founder & CEO WiGroup, ông Trần Ngọc Báu dự báo mặt bằng chung lãi suất sẽ tăng khoảng 0,5 điểm % từ nay đến cuối năm do áp lực tỷ giá đến thanh khoản và thị trường 2 và chênh lệch tín dụng - huy động tăng lên mức báo động.
Theo đó, từ năm 2013 đến nay, con số tiền gửi luôn cao hơn tín dụng, tuy nhiên đến giai đoạn này, lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng bắt đầu ít hơn lượng tín dụng mà các ngân hàng thương mại cho vay ra.
"Chắc chắn điều này sẽ gây nên áp lực thanh khoản hệ thống trong trung và dài hạn. Điều này bắt buộc các NHTM phải đi huy động vốn ở nhiều kênh khác như giấy tờ có giá, thay vì huy động vốn từ người dân," ông Báu cho biết.
Tổng Giám Đốc AFA Capital, ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng cần quan sát rất kỹ chênh lệch tăng trưởng tín dụng - huy động, tránh để xảy ra cuộc đua về lãi suất huy động.
"Nếu vai trò can thiệp về thanh khoản của NHNN không tốt ở giai đoạn này, việc hút tiền ra quá nhiều vượt trần OMO sẽ khiến các ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất huy động lên, dẫn đến rủi ro cho thị trường tài chính," ông Tuấn cho hay.